Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
“Những bài đàn Tỳ bà của tôi là do ông Trợ Tồn, Tức là cố nghệ sỹ Nguyễn Quang Tồn truyền lại cho tôi trong thập kỹ 30-40 của thế kỷ 20.
Ông Nguyễn Quang Tồn quê ở Tô Đà, huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên. Ông thành thào 5 loài nhạc cụ dân tộc, lại được sự góp ý, khích lệ của vị thầy của ông là cụ Cả Soạn - một danh cầm của cố đô Huế (những năm đầu thế kỷ 20), cộng với vốn kiến thức của mình, ông Trợ Tồn đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, đối chiếu với 5 nhạc cụ ông đã biết thành thạo để biên soạn ra phương pháp ký xướng âm riêng cho đàn Tỳ bà và viết thành sách “Tự học đàn tỳ bà lối tài tử điệu ca Huế” rất phong phú. Tôi được biết đó là những điệu thông thường như:
Giọng nam gồm các điệu: Dạo Nam, Nam Ai, Nam Bằng, Nam Xuân, Tứ Đại Cảnh, Hành Vân, Quả Phụ, Nam chiến, Ai giang nam, Hạ giang nam.
Giọng khách gồm các điệu: Dạo Khách, Cổ bản. Lưu thủy, 10 bài ngự và một số bài chậm như Lưu thủy Kim Tiền chậm, Phú lục đơn, Bình bán chậm, Phú lục chậm, với ước vọng của ông là cho đàn Tỳ Bà khỏi thất truyền và làm giàu cho bộ môn ca Huế của quê hương.
Tôi hiểu được giá trị của giọng đàn Tỳ Bà và sách tự học của Thầy Tồn trao cho. Cả cuộc đời tôi, ngoài những năm tháng luồn rừng, lội suối để hoạt động cách mạng và hoàn thành nhiệm vụ trong hai cuộc kháng chiến (chống Pháp và chống Mỹ) mà Đảng giao cho, vừa công tác vừa truyền lại lối đàn quý cho 4 đệ tử và giao luôn sách cho họ. Nhưng tiếc thay cả 4 cháu đều đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Thời gian còn lại mặc dù tuổi đã cao, đi đâu làm gì tôi vẫn tìm người để truyền lối đàn của Thầy Tồn. Cũng đã có một số ưa thích nhạc Huế theo học kể cả sinh viên nhạc viện Hà nội và cô giáo Mai Huệ – giáo viên của nhạc viện đều học tốt. Song vì nhiều lẽ, trước tình hình ham mới nới cũ, dễ làm khó bỏ, tôi chưa tin họ có thể tiếp thu được tiếng đàn tỳ của ông Trợ Tồn qua tôi. Nỗi trăn trở ấy cứ bám riết cả cuộc đời tôi, cho đến nay, mặc dù đã gần trọn một thế kỷ nhưng nổi lo cho “lối tài tử điệu ca Huế” của dân tộc bị mai một vẫn chưa dứt. Đó phải chăng cũng vừa là cái duyên đưa tôi đến với đàn tỳ theo lối tài tử điệu ca Huế của thầy Tồn và cũng là cái nợ mà suốt đời này tôi vẫn chưa trả được cho ông để bảo Tồn giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc”.
(Cụ Châu Đình Khoá năm nay đã ở tuổi 101 đang sống ở quê - Sơn Thủy Lệ Thủy Quảng bình)
Bài này được Châu Thị Hà ghi lại tại Hà Nội theo lời kể của cụ Khoá Ngày 09-5-2009)