Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
'Vài nét đặc thù về hát bội' là chương trình diễn ra tại tư gia Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê lúc 19h30 ngày 18/11. Trong đêm nghệ thuật này, vị giáo sư 88 tuổi là diễn giả dẫn dắt người nghe vào thế giới tinh tế của nghệ thuật tuồng.
Đêm nghệ thuật hát bội diễn ra gồm 3 phần. Phần đầu, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê giới thiệu về lịch sử hát bội tại Việt Nam cùng những kiến thức sơ lược về bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Sau bài nói chuyện của giáo sư, khán giả được thưởng thức một đoạn trích trong vở Tống tửu Ô Hắc Lợi (Tiễn rượu Ô Hắc Lợi lên đường ra trận) qua diễn xuất của các nhạc công (kèn, đàn và trống) và nghệ sĩ của Nhà hát Bội TP HCM. Theo giáo sư Khê, đây là một trích đoạn hát tuồng rất đặc sắc, tuy ngắn nhưng thể hiện đầy đủ tình cảm hỷ nộ ái ố, vừa có thanh nhạc vừa có khí nhạc với nhiều tiết tấu khác nhau.
Cuối cùng, khán giả sẽ được giao lưu, trò chuyện trực tiếp với giáo sư Khê và các nghệ sĩ hát bội. "Tôi hy vọng, khi nắm được kiến thức về xuất xứ, nguồn gốc, âm nhạc trong hát bội thì các khán giả, nhất là khán giả trẻ, sẽ dễ tiếp cận với môn nghệ thuật này", giáo sư nói.
Hát bội (hát tuồng) là nghệ thuật sân khấu toàn diện, có bề sâu văn hóa và chiều dài lịch sử. Theo nhiều chuyên gia, hát bội xuất hiện muộn nhất là từ thế kỷ 13. Các trường phái hát bội tại Việt Nam gồm có: Bình Định, Quảng Nam, Gia Định, Tuồng Bắc.
Đây là đêm nghệ thuật lần thứ 8 được Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê tổ chức tại tư gia.
Anh Vân
vnexpress.net