Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Nghệ sĩ Đỗ Đình Liên và bộ sưu tập quý giá

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 2
branchtell Posted: 09-05-2008 10:45

Nguồn : http://antg.cand.com.vn/vi-vn/doday/2008/2/56875.cand 

Một lần đi công tác, Liên nhìn thấy một cô gái đưa vật gì chỉ bé bằng ngón tay lên miệng thổi. Anh đuổi theo hỏi, cô gái thấy người lạ, lại là đàn ông nên không cho anh biết. Đến khi thấy anh hết hơi, giã họng cô mới cho anh xem và... tặng luôn.

 

Sở hữu một bộ sưu tập sáo gồm 100 loại, từ sáo trúc, ka lế (một loại sáo của dân tộc Thái), pí tóp (của dân tộc Khơ Mú, Mường), đến khèn (người Mông)... nghệ sĩ Đỗ Đình Liên, Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương có thể đưa người nghe vào thế giới âm nhạc du dương và khắc họa đời sống văn hóa của từng dân tộc bằng âm thanh của 100 loại nhạc cụ thổi bằng hơi đó. Vậy mà nhạc sĩ Đỗ Đình Liên chưa từng qua một trường lớp đào tạo chính thống nào về âm nhạc. Anh chỉ học atmauter...

Sinh ra và lớn lên ở Tuyên Quang, mảnh đất giáp ranh với Hà Giang nơi có tiếng khèn, sáo... của những chàng trai, cô gái vùng cao làm mê đắm lòng người, chàng thanh niên Đỗ Đình Liên cũng không tránh khỏi sự quyến rũ ấy để đến với nhạc cụ được làm giản đơn từ trúc, nứa.

Ngay từ nhỏ, cảnh “phiêu bồng” của những anh thợ chài nhàn rỗi sau một ngày quăng lưới mệt nhoài ngồi thổi sáo trên dòng sông Gâm yên bình đã làm Đỗ Đình Liên mơ ước ngày nào đó sẽ trở thành Trương Chi có tiếng sáo “hút hồn người”. Theo tiếng sáo vọng mỗi chiều trên sông Gâm, rồi theo tiếng sáo được phát trên làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đỗ Đình Liên tự mày mò và cố gắng thổi theo. Mới đầu, tiếng sáo của anh vụng dại, lâu dần, nó trở nên trong trẻo và tinh tế hơn.

Với khả năng âm nhạc sẵn có, Liên được bố mẹ đầu tư cho theo học ngành nhạc. Năm 11, 12 tuổi (năm 1968) theo bố mẹ, Liên lặn lội từ Tuyên Quang xuống Hà Nội để “tầm sư học đạo” theo nghệ sĩ Đinh Thìn. Nghe tiếng sáo của anh, thầy Đinh Thìn không khỏi ngạc nhiên và không thể từ chối nhận cậu học sinh “sáng dạ” làm  học trò “cưng” của mình. Học được 2 năm, chiến tranh ác liệt và hoàn cảnh kinh tế khó khăn của đất nước thời đó đã khiến việc học của Liên bị gián đoạn. Anh trở về quê và cứ đến hè mới được xuống Hà Nội học với thầy.

Học chưa được bao lâu, năm 1974 Liên lên đường nhập ngũ. Vậy là sự gián đoạn liên tiếp trong học tập của Liên để biến ước mơ của anh thành hiện thực đã khiến anh trở lại với giai đoạn đầu học tập: tự nghiên cứu, mày mò với cây sáo trúc. Nhưng chính hình thức học tập này đã giúp Liên khám phá ra nhiều điều kỳ diệu ở âm thanh tưởng như đơn điệu của cây sáo. Vì điều này, Liên càng trở nên gắn bó với cây sáo hơn và anh bỗng sinh ra cái thú muốn sưu tầm tất cả các nhạc cụ dân gian thổi bằng hơi để khám phá âm thanh của chúng.

Thời gian trong quân ngũ, do đặc thù của đơn vị - Sư đoàn 304 ở Quân khu Việt Bắc - hay phải di chuyển quân từ vùng này sang vùng khác và thường xuyên đi biểu diễn văn nghệ phục vụ quân đội (vì Liên ở trong đội văn nghệ), anh đã sưu tầm được nhiều loại sáo của các dân tộc vùng Bắc Bộ. Và nhiều nhất là năm 1975 - 1976, sau khi từ Quân khu Việt Bắc chuyển về Tỉnh đội Tuyên Quang làm công tác tuyên truyền, Liên sưu tầm được các loại sáo, khèn, pí... của dân tộc Mường, Khơ Mú... Đi đến đâu, câu hỏi đầu tiên của Liên bao giờ cũng là ở đây có sáo, khèn... gì. Anh Liên kể: Có lần đang trên đường đi công tác ở Hà Giang, bỗng nhìn thấy một cô gái đưa vật gì lên miệng thổi chỉ bé bằng ngón tay nhưng có âm thanh rất trong và cao, thế là anh dừng xe đuổi theo cô gái chỉ để hỏi xem đó là nhạc cụ gì. Nhưng thấy người lạ, lại là đàn ông, nhất định cô gái không cho anh xem. Nói thế nào cô cũng chỉ lắc đầu trước những câu hỏi của anh. Cuối cùng chỉ đến khi hết hơi, giã họng trình bày với cô về ý định tìm hiểu về nhạc cụ đang có trong tay cô, cô gái mới cho anh xem. Và quý hơn cả là cô còn tặng không chiếc “pí” (tên nhạc cụ) đó cho anh. Chiếc pí đó hiện đang nằm trong bộ sưu tập của Liên và nó là một trong những nhạc cụ thổi bằng hơi quý hiếm của anh.

Anh Liên kể, nhờ cách sưu tầm như vậy mà anh có được nhiều loại sáo, khèn quý giá không tưởng tượng được. Như một cây sáo dài 30cm, chỉ bé bằng ngón tay nhưng có thanh trầm đến kỳ lạ. Trầm đến mức một nhạc cụ của phương Tây có âm trầm nhất cũng không thể có được. Hay như một cây sáo chỉ có một lỗ duy nhất nhưng lại thổi được nhiều âm vực khác nhau. Tất nhiên, để có thể chơi được như vậy phụ thuộc vào khả năng lớn của người chơi. Nghệ sĩ Đỗ Đình Liên còn có một khả năng kỳ lạ là anh có thể chơi một nhạc phẩm bằng một hơi không nghỉ. Để trình diễn được như vậy, anh nói phải lấy hơi bằng cách mồm thổi ra mũi lấy vào. Với khả năng này cộng với bộ sưu tập độc nhất vô nhị của anh, trong những lần lưu diễn tại 46 quốc gia trên thế giới, anh đã làm nhiều nghệ sĩ quốc tế phải ngạc nhiên và thán phục, ngay cả nghệ sĩ đến từ Trung Quốc, một cường quốc về các loại nhạc cụ dân gian thổi bằng hơi.

Hiện nay, nghệ sĩ Đỗ Đình Liên đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Anh đã từng đoạt giải nhất Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc với tiết mục "Ký họa Tây Bắc". Và công việc không thể thiếu hằng ngày của anh là chăm sóc 100 loại nhạc cụ thổi bằng hơi bằng cách bôi trơn kem tẩy trang của phụ nữ bên trong ruột các cây sáo nhằm giữ ẩm đồng thời bảo quản chúng trong những chiếc vali được bọc bằng da


  Duy Hưng

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems