Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Những bi kịch của ả đào xưa

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Cool [H] Posted: 04-10-2008 23:59

Mặt tròn thu nguyệt. Mắt sắc dao cau. Vào - duyên khuê các. Ra - vẻ hồng lâu. Lời ấy gấm - Miệng ấy thêu - tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban -Tạ. Dịu như mai - Trong như tuyết - nét phong lưu chi kém bạn Vân - Kiều. Có văn nhân xưa đã viết về vẻ đẹp và phẩm cách của các đào nương như vậy.



 


Cô đào là người hát, còn kép là người đàn. Đào kép được tổ chức thành giáo phường rất quy củ. Mỗi giáo phường tự chọn lấy một chữ làm “họ” của mình. Các văn bia Hán Nôm còn lưu trữ cho biết có các họ Xuân, Đông, Thịnh, Từ, Hoàng, Việt, Kiều, Khổng. Đứng đầu họ là một ông trùm họ. Người thuộc về họ nào, lấy chữ họ đó đặt lên trước tên mình. Ví dụ tên là Thuận mà thuộc về họ Thịnh thì gọi là Thịnh Thuận. Lối gọi này chỉ dùng và lưu truyền trong giáo phường với nhau. Đây có thể coi là những “nghệ danh” sớm nhất trong lịch sử ca nhạc nước ta.

Học hát ca trù là cả một công phu. Người nào thông minh cũng phải ba bốn năm ròng mới cầm được lá phách ra hát, còn thì nếu chỉ chuyên cần học tập cũng mất khoảng 5 năm. Khi việc học đã thành thục, để được đi hát, đào nương phải có trầu cau trình với Quản giáp. Vị Quản giáp sai chia cho khắp phường để báo cho biết đào nương này đã thành nghề và ra hát. Bấy giờ giáo phường sẽ họp nhau một buổi để sát hạch, công nhận về kết quả học tập và trình độ. Các cô đào sẽ chọn ngày lành làm lễ báo cáo với tổ nghề, mời một “quan viên” có danh vọng và sành sỏi thưởng thức trong vùng, nổi tiếng phong lưu hào phóng đến nghe và cầm chầu cho buổi hát đầu tiên. Đó là một ngày tiệc vui vẻ và linh đình để đãi giáo phường. Từ đó, cô đào mới chính thức bước vào nghề hát, coi như được cấp “giấy phép hành nghề”, để đi vào con đường nghệ thuật.

 


Đào nương Nguyễn Thị Huệ

Đào nương xưa phải tuân thủ hàng trăm thứ kiêng kỵ, cốt sao cho giữ được tiếng hát đẹp màu âm sắc và giữ được tiếng thơm của con nhà nền nếp. Để giữ gìn tiếng hát, các cô không uống rượu, kiêng ăn các đồ ăn cay, các chất mỡ. Có cô cầu kỳ còn dùng cơm nếp giã nhuyễn, nắm lại rồi cắt lát thành từng miếng mỏng, phơi khô để ăn dần, làm vậy là để khi ăn, miếng cơm sẽ quyện trôi đờm, tiếng hát sẽ trở nên thuần khiết trong trẻo. Lại có câu chuyện rằng các cô nghe đồn nước ở cái giếng đền ca công làng Ngọc Trung xứ Thanh rất lành mà lại thiêng, đào nương nào tắm được bằng nước giếng này sẽ trở nên xinh xắn và có giọng hát thật đẹp. Các cô tìm vào cho bằng được, cố ăn uống, tắm giặt lấy vài ngày để lấy khước. Ngoài chuyện kiêng ăn kiêng uống, các cô đào còn phải kiêng tên các vị tổ nghề. Khi hát đến các chữ Bạch, Hoa, Lễ, Thanh... thì các cô phải hát trệch đi. Đến mỗi làng để hát thờ, các cô phải biết và nhớ tên các vị thần làng, có khi là đến cả chục cái tên, để mỗi khi hát đến những chữ đó cũng phải hát trệch đi, chứ nếu không nhớ ra mà cứ hát cả tên huý của các ngài thì cụ tiên chỉ cầm chầu sẽ gióng mấy tiếng trống mà dừng ngay cuộc hát lại.

Ngày xưa đào và kép thường là vợ chồng, anh em của nhau. Họ đều được học nghề từ một ông thầy, cũng một thời gian, lại hiểu biết các ngón nghề của nhau nên dùng tiếng đàn và tiếng hát nâng đỡ cho nhau rất nhiều. Vì thế ngày xưa đi thi hát ở đình người ta không cho đào và kép là vợ chồng, anh em với nhau vào thi cùng một lúc. Trong cuộc sống và trong nghề nghiệp, đào và kép ngày xưa rất trân trọng nhau, giữ gìn từng lời ăn tiếng nói và cùng nhau nâng cao nghề nghiệp cho nhau. Đào kép khi nhận được một lời mời đi hát ở chốn đền miếu, nhất định phải kiêng chuyện gối chăn, giữ mình thanh tịnh để hát trước cửa đình.

Nghệ nhân đàn đáy lão luyện của Việt Nam hiện nay là cụ Nguyễn Phú Đẹ ở Hưng Yên kể rằng mẹ ông là một đào hát, được vua nhà Nguyễn vời vào kinh đô Huế để hát. Đào nương và kép được vời vào cung gọi là đào ngự, kép ngự. Đó là một vinh dự lớn mà đào kép nào cũng mong đạt được. Sau khi lặn lội đường xa, vào kinh hát trước sập rồng, đến khi trở về, đang độ xuân thì, vậy mà không ai dám lấy bà vì cho rằng bà đã thuộc về đức vua. Bà những tưởng đã lỡ dở đường tình duyên. May sao, có người kép đàn thương bà lấy làm vợ. Hai cụ là sinh được mấy người con, trong đó có hai anh Nguyễn Phú Đọ, Nguyễn Phú Đẹ. Ngày nay, cụ Nguyễn Phú Đẹ đã 85 tuổi, là một tay đàn lão luyện với tiếng đàn vô song.

Giáo phường ca trù xưa còn tôn vinh tri ân người có công truyền nghề. Trong văn bia Bản huyện giáo phường lập bi, tạo năm Vĩnh Trị 5 (1681), đặt tại đình xã Trung Việt, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang cho biết các vị trong Ty giáo phường xã Đông Lâm, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, đạo Kinh Bắc, vì có ngoại tổ họ Hà là Phúc Đạo, ở xã Trung Trật trước có mở nghiệp giáo phường, sinh con gái Hà Thị Khánh lấy chồng họ Nguyễn ở Đông Lâm và tạo nên giáo phường ở đây. Nay các vị trong giáo phường xã Đông Lâm nhớ đến ân nghĩa sinh thành của ngoại tổ, tỏ lòng báo đáp, đặt ra lệ, hễ đình Trung Trật có mở tiệc thì các khoản tiền tiệc, tiền khao và tiền lễ xông đình, các khoản tiền làm cỗ, thảy đều do giáo phường Đông Lâm trang trải. Bia còn ghi tên các vị ngoại tổ họ Hà do dân xã Trung Trật cúng giỗ. Đây cũng là một nét đẹp nhân văn của một giáo phường ca trù, vừa tôn vinh nghề tổ, vừa thành kính tri ân người có công gây dựng nghề cho giáo phường.

Có một thời gian rất dài ca trù không được quan tâm. Có lẽ từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với những tàn dư xấu xa của chế độ phong kiến, sinh hoạt cô đầu, hay hát ả đào, vốn đã có tiếng rất xấu từ đầu thế kỷ, cũng đã bị quét đi, không thương tiếc. Các cô đào, dù hát còn hay, dù còn thanh sắc cũng giấu kỹ phách, các kép hát thì gác đàn lên xà nhà, giấu đi cái hành trạng một thời làm nghề hát xướng của mình để nhập vào cuộc sống mới. Không ai dám hát, không ai dám đàn, không ai dám nhận mình là cô đầu nữa. Con cái các đào kép một thời lừng lẫy bỗng đâm ra xa lánh, sợ sệt cha mẹ mình. Tiếng xấu sinh hoạt ả đào trùm lên cả xã hội. Nhắc đến cô đầu người ta sợ. Nhắc đến hát ả đào, người ta nghĩ đến một thú ăn chơi làm cho người ta khuynh gia bại sản, có hại cho phong hoá và luân lý. Người ta cho cô đầu là cái người: “Lấy khách - khách bỏ về Tàu, lấy nhà giàu - nhà giàu hết của”. Các ca nữ thưở trước đều tìm một nghề khác kiếm sống, giấu biệt cái nghề ca hát của mình đi. Có đào nương phải kiếm một gánh nước chè độ nhật cho đến tận lúc cuối đời. Nhiều đào nương lần hồi kiếm các công việc để độ nhật. Có đào nương trở về với công việc đồng áng, cố che lấp đi cái nghề ca hát của mình. Gặp lại các bà để hỏi về ca trù, các bà còn run sợ, có bà không dám nói hay nhận mình là cô đầu...

 

Trong hoàn cảnh ấy, chỉ có một người phụ nữ dám nhận mình là một ả đào, như bà đã từng nói là bà dám đeo cái biển trước ngực “Tôi là ả đào”. Chỉ có bà mới tỏ một thái độ thuỷ chung với nghề tổ đến như vậy. Bà đã dám sống cho nghề tổ, chịu vinh, chịu nhục vì nghề. Khi bà ba mươi tuổi, đang vào độ chín của nghề, thi sĩ Trần Huyền Trân đã tặng bà bài thơ Sầu chung, từng chữ, từng lời như đi vào gan ruột: “Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca/ Mênh mông trời đất vẫn không nhà/Người ơi mưa đấy? Hay sênh phách/ Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa.../Thôi khóc chi ai kiếp đọa đầy/ Tỳ bà tâm sự rót nhau say/ Thơ ta gửi tặng người ngâm nhé/ Cho vút giọng sầu tan bóng mây”.

Đó là bà Quách Thị Hồ - nghệ sĩ lớn nhất của ngành ca trù trong thế kỷ XX, người đầu tiên và duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ngành ca trù. Có người ví tiếng hát của Quách Thị Hồ đẹp và tráng lệ như một tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, mà mỗi một tiếng luyến láy cao siêu tinh tế của bà là một mảng chạm kỳ khu của một bức cửa võng trong cái tòa lâu đài ấy.

Lần theo những dòng thư tịch cổ tìm hiểu về cuộc sống của các đào nương xưa, thêm hiểu thêm thương những người nghệ sĩ dân gian, nhiều khi không để lại tuổi tên nhưng đã cùng chung lòng xây dựng tòa lâu đài âm nhạc suốt mấy trăm năm nguy nga lộng lẫy.

Lâm Khang

 

http://vietimes.vietnamnet.vn 

 

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems