Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Ca trù Cổ Đạm: Bạn cần nghe lại tâm hồn mình!

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Music [8] Posted: 12-20-2007 19:05

Được mệnh danh là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, Hà Tĩnh ngoài việc đã sinh ra những văn nhân tài ba, những chí sĩ yêu nước nổi tiếng còn là nơi lưu giữ, phát triển những nét văn hoá, những làn điệu dân ca đằm thắm mang đậm bản sắc. Trong đó, ca trù Cổ Đạm là một minh chứng cụ thể cho nền văn hoá đặc sắc và lâu đời của dân tộc.



Liên hoan câu lạc bộ Ca trù toàn quốc tháng 10/2007



Gốc của ca trù có phải ở Nghi Xuân?

Làng Cổ Đạm thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) nơi ngày trước có lệ: hễ các cô gái muốn lấy chồng thì phải tập hát ca trù trong vài ba năm và để giọng hát được trong trẻo như tiếng oanh tiếng phượng thì các ca nương phải uống nước ở khe Môn nằm sau lưng núi Cầm Sơn. Ca trù Cổ Đạm còn được gọi là hát cửa quyền, hát cửa đình, hát nhà trò, hát nhà tơ, ả đào hay hát cô đầu…, là một loại hình nghệ thuật tổng hợp độc đáo bởi ngoài việc đàn và hát còn có múa, ngâm thơ, diễn, làm trò.

Theo các nhà nghiên cứu, ca trù và ca trù Cổ Đạm xuất hiện từ thời Triệu Đà, thời Lý Trần và hưng vượng nhất là giai đoạn hậu Lê đến sang nhà Nguyễn. Từng là một loại ca trong cung đình được giới quý tộc, vua chúa rất yêu thích. Nhóm biểu diễn thường có ba người, ca nương sử dụng luôn cả phách, sênh (làm bằng gỗ trắc và tre gõ vào nhau thành nhịp), một nhạc công chơi đàn đáy, người còn lại chơi trống chầu kiêm luôn là người thưởng thức. Ca hay khen thưởng bằng tiếng tom chê bằng tiếng chát. Trang phục đều là áo dài cổ truyền màu đen hoặc màu gụ, ca nương đầu quấn khăn đen cuộn tròn khi biểu diễn.

Tên gọi ca trù là một từ ghép có ý nghĩa rất rộng chỉ chung những ca khúc đạt mức độ chính quy và được diễn xướng trong các buổi lễ long trọng ở cung miếu, cửa quyền, ngoài đình hoặc được tổ chức mỗi khi có hội hè, lễ tiết. Hát ca trù đòi hỏi kỹ năng điêu luyện vì lối hát lên xuống liên tục nên cần tròn vành, rõ chữ, giọng hát sắc nét, đài các lịch sự, thảm thiết tài tình pha chút lẳng lơ làm say đắm người nghe nên rất được ưa chuộng, vì vậy nó được phổ biến ở nhiều nơi.

Trên đất nước ta có nhiều nơi nhân dân lập đền thờ tổ sư nghề hát ca trù như Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh… Nhưng Cổ Đạm- Nghi xuân theo truyền thuyết của địa phương thì vẫn là đền gốc thờ tổ sư ca trù là Đinh Lễ và Bạch Hoa (còn gọi là Thanh Xà Đại Vương và Mãn đào Hoa công chúa) là hai người được dân gian truyền tụng đã tạo nên thể loại ca trù và đi truyền dạy nhiều nơi.

 


Hội diễn ca trù tại khu đền thờ Nguyễn Công Trứ, Nghi Xuân, Hà Tĩnh


Trong thực tế ca trù còn có ở rất nhiều nơi khác nữa như: Hà Đông, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An… Cố giáo sư Trần Quốc Vượng trong một lần trò chuyện với anh chị em nhóm địa phương học ở Hà Tĩnh đã cho biết: Ở Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có loại hình ca nhạc giống ca trù, còn giáo sư Trần Văn Khê thì cho rằng gốc gác của ca trù còn có ở Ả Rập… Như vậy ca trù có thể có ở nhiều vùng khác nhau. Tuy nhiên ca trù Cổ Đạm cũng có những đặc điểm khác biệt khi so sánh với những địa phương khác; ca trù Cổ Đạm hát nhanh hơn, không luyến láy ngưng nghỉ nhiều, hát nhàn nhã, thư thái, Phách đánh chìm và lửng… còn lại về hình thức và thể loại cơ bản đều gần như nhau.

Qua bao biến cố của lịch sử đã có những giai đoạn ca trù Cổ Đạm tưởng như biến mất. Tuy nhiên những nghệ nhân, những ca nương tâm huyết vẫn còn giữ trong mình những hoài niệm, những ký ức về một thể loại âm nhạc đã rất thịnh hành. Trải qua những chặng đường dài, nối tiếp từ đời này sang đời khác, thấm sâu vào máu thịt, trầm tích trong mỗi tâm hồn từ thuở cha ông nên những nghệ nhân này luôn mong muốn lưu giữ, bảo tồn và phát triển ca trù. Thật may mắn là đến năm 1998, trải qua gần 60 năm vắng bóng trên sân khấu nghệ thuật, được sự quan tâm của Bộ Văn hoá - Thông tin trong chương trình quốc gia về sưu tầm, nghiên cứu giữ gìn và phát huy các di sản văn hoá dân tộc, ở Cổ Đạm đã có những cuộc hội thảo về ca trù đầu tiên.

Ca trù Cổ Đạm - làm sống lại nét cổ truyền

 

     


Nghệ nhân ca trù Phan Thị Mơn

Sau hội thảo ngày 8-12-1998 hàng loạt các dự án khôi phục, tìm kiếm, nghiên cứu, lưu giữ được bắt đầu bằng việc thu âm lại giọng hát của các nghệ nhân ca trù Cổ Đạm. Những nghệ nhân đều đã cao tuổi nhưng họ vẫn còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn các thể loại cơ bản, khi trực tiếp tham gia biểu diễn, chất giọng của họ vẫn rất điêu luyện, tinh xảo… O Mơn (Theo cách gọi nghệ nhân Phan Thị Mơn của người dân) một trong bốn nghệ nhân còn lại ở Cổ Đạm năm nay đã 85 tuổi nhưng vẫn thường đi biểu diễn nhiều nơi mỗi khi có lễ hội.

Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ với diện tích vừa đủ rộng để kê một chiếc giường và bộ bàn ghế. Xung quanh tường đỏ thắm những bằng khen, giấy khen, huy chương … o vẫn còn rất khoẻ và minh mẫn kể cho chúng tôi nghe những thăng trầm trong cuộc đời ca hát của mình. Học hát từ năm 14 tuổi sau đó theo kép hát đi biểu diễn khắp nơi. Lên 17 tuổi đã thuộc làu hơn 30 làn điệu và đã đi hát khắp miền Trung kỳ. Đến năm 22 tuổi (1945) thì bỏ nghề.

“Từ bấy đến nay ít được hát nên buồn lắm, nhớ lắm nhưng biết mần răng được…”, o nói. Sau năm 1998 được mời tham gia tìm kiếm để khôi phục và phát triển nghệ thuật ca trù Cổ Đạm, những nghệ nhân như O Mơn mừng như nắng hạn gặp mưa. O được thoả sức hát, biểu diễn, tham gia hội thi và đã đạt được nhiều thành tích cao trong các hội diễn, hội thi về ca trù trong cả nước. O Mơn tâm sự: “Giờ tui chỉ quan tâm đến việc đào tạo cho lớp trẻ để lưu giữ mãi mãi về sau nét văn hoá độc đáo của cha ông”.

Cho đến nay O Mơn đã thành lập được một Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm hoạt động đều đặn và rất tích cực, nơi đào tạo các em yêu thích ca trù trong vùng. Học trò của o trong CLB có 36 người, đã giành được nhiều những thành tích cao trong các cuộc thi ca trù toàn quốc.

Tiễn chúng tôi ra về o còn với theo: “Tôi vẫn muốn làm đình, đền để thờ các vị tổ sư Đinh Lễ, Ngọc Hoa và dựng lại cảnh xưa để biểu diễn ca trù, tập luyện ca trù…”. Tìm hiểu về vấn đề này anh Nguyễn Hải Nam - Giám đốc Trung tâm VHTT huyện Nghi xuân cho biết: Mức độ đầu tư để dựng lại cả một hệ thống hoạt động quy mô và xây dựng đình đền, không gian, bối cảnh… là rất lớn đòi hỏi phải có thời gian cùng sự quan tâm của nhiều ngành nhiều cấp, các tổ chức bảo tồn di sản thế giới mới có thể thực hiện được. Còn về phía chính quyền địa phương mà cụ thể là Trung tâm VHTT huyện, mức độ đầu tư đang ở giai đoạn bảo tồn và phát triển các giá trị của ca trù như: phối hợp với ngành giáo dục đưa ca trù vào trường học, thành lập các CLB ca trù trên địa bàn huyện, ở khu di tích Nguyễn Công Trứ để bảo tồn và giới thiệu ca trù Nghi Xuân, tổ chức tập huấn, trao đổi, hai năm một lần phối hợp tổ chức các cuộc thi nhằm tuyển chọn những nhân tố mới có triển vọng để đào tạo kế thừa.

Ca trù là một trong những thể loại ca hát cổ truyền dân tộc, một sản phẩm văn hoá quý báu cần phải được bảo tồn, gìn giữ. Được biết cuối năm 2006, Bộ Văn hoá - Thông tin đã có những “tín hiệu” khởi động để tiến hành các thủ tục đề nghị UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới. Như vậy chúng ta có thể hy vọng về sự đầu tư phát triển vượt bậc nay mai của ca trù và ca trù Cổ Đạm trong hệ thống những di sản văn hoá phi vật thể vô giá của dân tộc.

Phạm Công Toàn (Vietimes)

www.vietimes.com.vn 

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems