Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Thy Nga, phóng viên đài RFA
Chắc ít khi quý vị nghe hát tân nhạc bằng giọng Nam? nghe rất dễ thương, phải không ạ, câu ca điệu hò bình dị chơn phương như dân tình người miền Nam vậy. “Còn thương góc bếp chái hè” là nhạc bản Phi Nhung đang ca gửi đến quý vị. Tác giả bài này là Bắc Sơn, người nghệ sĩ vừa ra đi vĩnh viễn vào ngày 23 tháng Hai. (2005)
Cố nhạc sĩ Bắc Sơn
Nghệ sĩ Bắc Sơn tên thật là Trương Văn Khuê sinh năm 1931. Sáng tác đầu tay là bài “Mình gặp nhau chăng?” rồi cái tên Bắc Sơn đi dần vào lòng người dân miền Nam từ hơn 30 năm trước, qua những nhạc bản đượm hồn quê Nam bộ.
Được nhiều người ưa thích nhất, là ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè”
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Thanh Niên, nghệ sĩ Bắc Sơn cho hay là viết bản này làm nhạc nền cho vở kịch “Bếp lửa ấm” phát trên truyền hình Saigon vào cuối tháng 11 năm 1974.
Hồi đó, ông viết hàng loạt kịch truyện cho chương trình “Quê ngoại” và như thế, ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” đến với khán thính giả của chương trình này, hằng tuần trên màn ảnh nhỏ.
Sau năm 1975 thì tại Pháp, nữ ca sĩ Hương Lan hát và thâu âm “Còn thương rau đắng mọc sau hè” làm cho bài này mau chóng phổ biến trong các nhóm người Việt khi đó mới đặt chân lên xứ người, với tâm trạng hoài vọng quê cũ.
Tuy nhiên, theo nghệ sĩ Bắc Sơn cho biết thì “Còn thương rau đắng mọc sau hè” không phải là sáng tác mà ông ưng ý nhất.
Các nhạc phẩm mà ông tâm đắc là “Đêm nghe tiếng vọng cổ” viết vào cuối năm 1999, và các bài về mẹ như “Mẹ ngồi sàng gạo” ghi lại hình ảnh mẹ ông ở miệt quê, cặm cụi sàng gạo mướn cho lối xóm. Bà con trong xóm tạ lại nửa lon.
Nhiều lần, Bắc Sơn yêu cầu mẹ lên Saigon ở với con, nhưng bà bảo “Mẹ phải ở lại, đặt chân lên chỗ mòn thềm rêu cho ấm lòng người xưa” và rồi, bà tiếp tục ở lại trong căn nhà cũ đã khuất bóng người chồng, cô đơn tới khi bà mất.
Hai năm sau khi mẹ qua đời, Bắc Sơn mới viết nổi ca khúc “Đêm nằm nhớ mẹ” là một bài hát ru, mang nhiều ý nghĩa với riêng ông.
Trong tổng số hơn 500 nhạc bản của Bắc Sơn, có tới 300 bài mang âm hưởng dân ca miền Nam. Phần kia gồm các ca khúc trữ tình như “Em và nỗi nhớ”, “Lặng lẽ”, “Nghe tiếng piano trên đời”, … các nhạc phẩm bán-cổ-điển dài tới 6 trang; các bản nhạc không lời; …
Khi được hỏi tại sao thích viết nhạc với âm điệu dân ca Nam bộ, ông trả lời vì là người miền Nam. Và ông kể tiếp là đã có một thời gian nghiên cứu cổ nhạc, cùng với các nhạc sĩ Thanh Sơn và Vũ đức Sao Biển. “Bông bí vàng” Hương Lan ca …
Ngoài viết nhạc, Bắc Sơn còn diễn xuất, ông từng đóng trên 60 bộ phim truyền hình. Đến năm 1977 thì Bắc Sơn tới với màn bạc trong một vai nhỏ trong phim “Cô Nhíp”.
Từ đó, ông nhận liên tiếp những vai diễn, và năm 1990, Bắc Sơn đoạt giải “Diễn viên xuất sắc” qua vai lột tả trong phim “Người tìm vàng”.
Bắc Sơn từng nói Âm Nhạc và Điện Ảnh là cuộc sống của ông, mỗi lần theo đoàn phim đi quay, ông lại sáng tác được nhạc. Ngược lại, ông nhờ vào tiếng nhạc của mình để có thể diễn đạt tâm trạng nhân vật, những lúc khó diễn. Trong âm thanh ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” Thy Nga xin kết thúc chương trình về cố nghệ sĩ Bắc Sơn …