Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Mai một nền âm nhạc dân tộc là thảm họa

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Whisper [:-*] Posted: 11-01-2007 0:42
GS-TS Nguyễn Thuyết Phong.
GS-TS Nguyễn Thuyết Phong là người con của vùng quê Trà Vinh. Mấy mươi năm lặn lội chân trời góc bể xây dựng cho mình sự nghiệp đáng kể được ghi danh trong từ điển "Danh nhân âm nhạc thế giới" (The New Grove 2000, Vương quốc Anh).

Năm 1997, Chính phủ Hoa Kỳ tặng danh hiệu "National Heritage Fellow". Ngày được vinh danh tại Nhà Trắng, ông đã trả lời với một nhà báo nước ngoài rằng: "Tôi làm tất cả để trả ơn tổ tiên tôi. Tổ tiên tôi đã xây dựng được một nền văn hoá rất lớn, trong đó có gia tài âm nhạc".

Mỗi lần về Việt Nam ông đều có những chương trình hoạt động liên quan đến lĩnh vực âm nhạc dân tộc, lần này có gì mới không, thưa giáo sư?

- Tôi vừa tham dự hội thảo nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của Đào Tấn tổ chức tại Quy Nhơn. Tôi tham gia với tư cách là một nhà nghiên cứu âm nhạc từ Mỹ đến. Với cái nhìn đó, tôi có sự đánh giá khách quan, sự so sánh với các bậc tiền bối, danh nhân trong cùng lĩnh vực ở các quốc gia khác.

Tôi cho rằng Đào Tấn là một danh nhân âm nhạc và sân khấu thế giới. Ông viết kịch, tuồng, sân khấu, làm thơ, viết văn. Đặc biệt ông đã lập ra Học Bộ Đình, có thể nói đây là trường "đại học" sân khấu tư nhân đầu tiên của Việt Nam và ý tưởng về giáo dục âm nhạc truyền thống dân tộc cho con người đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Trước đó, tôi dự hội thảo âm nhạc quốc tế được tổ chức một tuần tại Thái-lan. Có nhiều đề tài thảo luận tại hội nghị này. Tôi là đại biểu trong phái đoàn của Mỹ, nhưng trình bày về âm nhạc Việt Nam. Tôi và các nhạc sĩ quốc tế biểu diễn minh hoạ các nhạc cụ Việt Nam như đàn bầu, đàn nguyệt, sáo. Phần trình bày gây ấn tượng rất mạnh tại hội thảo. Các đại biểu rất hứng khởi và hiểu được Việt Nam có truyền thống âm nhạc lâu đời. Sau phần nói chuyện và trình bày của tôi, họ có nhận định rằng không phải một nước lớn là có nền âm nhạc lớn. Và Việt Nam là một quốc gia có nền âm nhạc lớn của thế giới.

Giáo sư có thể phân tích rõ hơn thế nào là một nền âm nhạc lớn và đâu là chân dung của nền âm nhạc Việt Nam trong cộng đồng thế giới?

- Đó là một nền âm nhạc có đặc trưng, súc tích thể loại, hệ thống lý thuyết âm nhạc, cơ cấu tổ chức dàn nhạc, nghệ sĩ, nghệ nhân. Việt Nam có hệ thống âm nhạc cung đình, hệ thống âm nhạc tôn giáo, hệ thống âm nhạc của các dân tộc như cồng chiêng Tây Nguyên... Các hệ thống này tạo ra một nền âm nhạc Việt Nam rất đáng tự hào. Năm 1995, tôi cùng tham gia tổ chức đưa đoàn Nhã nhạc và ca Huế sang biểu diễn nhiều nơi tại Mỹ và gây được sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Cồng chiêng Tây Nguyên cũng là một di sản phi vật thể và tôi là một trong những người thẩm dịnh dự án này để trình lên UNESCO.

Cuối tháng này, dự hội thảo "Sư Nguyệt Chiếu với sự nghiệp nhạc lễ cổ truyền Nam Bộ" ở Bạc Liêu, giáo sư tham luận đề tài gì tại hội thảo?

- Tôi nói về bản sắc của lễ nhạc Phật giáo Việt Namqua lăng kính âm nhạc Phật giáo thế giới. Tôi tâm đắc đề tài này vì đây là một nội dung trong công trình nghiên cứu của tôi để bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne. Có một sự khác biệt rất lớn giữa âm nhạc Phật giáo Việt Nam với âm nhạc Phật giáo thế giới vì các nghi lễ Phật giáo khi đến Việt Nam đã được Việt hoá rất sớm. Người Việt Nam biết chữ Hán nhưng đọc bằng âm Việt.

Tôi chứng minh được ở hàng nghìn ngôi chùa tại Việt Nam, các bài kinh không đọc theo âm tiếng Trung Quốc mà vẫn đọc theo âm tiếng Việt. Đây là thành tố âm nhạc, nhạc điệu đi theo ngôn ngữ. Mặt khác, hệ thống âm nhạc dân tộc Việt Nam lồng vào như tụng, từ, độc, tán, kệ, đó là những thể loại mang những giai điệu không có trong âm nhạc Phật giáo quốc tế.

Trong chương trình "Cội nguồn Việt" được tổ chức vào tháng 10 tại nhà hát TP Hồ Chí Minh, ngoài biểu diễn ra giáo sư sẽ nói về đề tài gì khi lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng yêu âm nhạc ở TP Hồ Chí Minh?

- Đây là buổi giao lưu với khán giả chứ không phải hội thảo hay giảng dạy nên không nói các chuyên đề sâu. Tôi sẽ trình bày tổng quan về nền tảng, kho tàng, giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc. Một nền tảng lâu đời, từ cái nôi sông Hồng đến mảnh đất cuối Việt ở phương Nam. Âm nhạc Việt Nam đa sắc, đa dạng, đậm nét có sự gắn liền theo tiến trình di dân của con người. Mỗi lần khai phá một vùng đất mới lại sản sinh một làn điệu mới.

Con người Việt Nam rất yêu chuộng văn hoá cho nên sẵn sàng tiếp thu cái hay, cái đẹp ở từng vùng đất khác nhau. Tôi sẽ trình bày về sự liên hệ mật thiết, sự phong phú giữa các thể loại âm nhạc dân tộc như dân gian, cung đình, tôn giáo. Về giá trị, có thể chứng minh lịch sử lâu đời của nền âm nhạc truyền thống, tính sáng tạo rất cao của người Việt Namvà sự phong phú của nguồn lý thuyết âm nhạc dân tộc.

Nhưng có một thực tế là giới trẻ hiện nay nhiều người không hiểu, không biết về âm nhạc dân tộc. Là người nghiên cứu và giảng dạy dân tộc nhạc học, giáo sư có thể đưa ra lời giải về vấn đề này?

GS-TS Nguyễn Thuyết Phong sinh năm 1946.
Được các nghệ nhân truyền dạy hát cải lương, đờn ca tài tử, lễ nhạc Phật giáo từ khi 5 tuổi.

Năm 1973, ông sang Nhật học và truyền bá âm nhạc Việt Nam.

Năm 1975 ông sang Pháp nghiên cứu; Tốt nghiệp tiến sĩ ngành Dân tộc nhạc học thế giới tại Đại học Sorbonne.

Ông là người giới thiệu, đào tạo và trình diễn âm nhạc truyền thống Việt Namtại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Từ năm 2004, ông về giảng dạy tại Nhạc viện Quốc gia Hà Nội theo chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ và sáng lập bộ môn Dân tộc nhạc cho nhạc viện. Tháng 1-2005, ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu "Vinh danh đất Việt".

- Lý do là vì mình không có nền giáo dục âm nhạc truyền thống. Việt Nam chỉ có dạy âm nhạc dân tộc ở trong các trường chuyên nghiệp, khi vào đó sinh viên mới được học. Các trường tiểu học, câu lạc bộ âm nhạc tại Việt Nam chỉ dạy nhạc tây, ít có nơi nào dạy những bài đồng dao, dân ca và nhạc cụ dân tộc nên trẻ con không có cơ hội tiếp cận âm nhạc dân tộc. Ở Mỹ, có những trường tiểu học mời tôi đến nói chuyện cho học sinh. Tôi kể cho các em nghe về nhạc cụ truyền thống của Việt Nam làm bằng gỗ, bằng tre, tạo chấn động như thế nào để có được giai điệu âm nhạc.

Các em thiếu nhi Mỹ nhỏ xíu chưa hiểu gì nhiều nhưng cũng được nhà trường quan tâm giáo dục thẩm mỹ âm nhạc. Tôi viết cuốn "Âm nhạc: Niềm vui tuổi thơ" cho trẻ em Việt Nam tại Mỹ với những bài dân ca, đồng dao, có tranh ảnh minh hoạ và có hướng dẫn làm các nhạc cụ dân gian. Tôi viết sách giáo khoa về âm nhạc Việt Nam  cho hệ thống giáo dục Mỹ nhưng lại không có cơ hội thực hiện ở Việt Nam.

Nhưng chúng ta có các trường, viện lưu giữ và nghiên cứu kho tàng âm nhạc của cha ông?

- Điều đó vẫn đang diễn ra, nhưng tôi có một nỗi lo rất lớn là nếu chúng ta không quan tâm đến phương pháp nghiên cứu thì việc sưu tầm của chúng ta sẽ không có hiệu quả. Nền âm nhạc dân tộc sẽ bị mai một và sẽ được lưu giữ không đúng với hình ảnh trung thực của chính nó. Mười mấy năm qua, mỗi lần về Việt Nam, tôi có gắng dành thời gian đi điền dã, ghi âm , ghi hình các buổi nói chuyện, phỏng vấn, biểu diễn của các nghệ sĩ, nghệ nhân Việt Nam.

Thí dụ như bà Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm ở Ninh Bình, Ông Vĩnh Bảo - nhạc sư; ông Đinh Khắc Ban - nghệ sĩ đàn đáy, ông Nguyễn Gia Cẩm - nghệ sĩ đàn nguyệt... Vốn quý của những con người này nếu không được truyền lại, các cụ ra đi thì coi như tuyệt diệt. Trên thực tế, có nhiều nghệ sĩ vang bóng một thời nhưng ra đi không ai biết. Tôi may mắn đã tranh thủ học vội học vàng được các cụ Đinh Khắc Bản, Nguyễn Gia Cẩm.

Giáo sư đã có một sự nghiệp âm nhạc với những công trình, những cống hiến cho ngành dân tộc nhạc học thế giới và Việt Nam, ông còn có dự định gì sắp tới?

- Còn rất nhiều việc phải làm trước mắt nhưung tôi ưu tiên cho việc giới thiệu, truyền bá gia tài âm nhạc truyền thống Việt Nam ra với thế giới. Có cơ hội để nói đến văn hoá Việt Nam, âm nhạc Việt Nam là tôi không bỏ qua.

Với thế giới thì tìm cách quảng bá, còn trong nước thì sao thưa giáo sư?

- Tôi mơ ước có trường đại học mang tên Đào Tấn.

Xin cảm ơn giáo sư.

Theo Lao động
Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems