Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Đi từ đầu đến cuối đảo, lên chóp núi hay xuống cầu cảng khó tìm thấy quán nhậu hay bia ôm đông khách vào ra. Đảo nghèo đã tẩy chay tệ nạn xã hội từ lâu. Giờ đây cư dân trên đảo vẫn nếp xưa cảnh cũ, cứ chiều chiều lại túm tụm hát giải khuây, hát tài tử để thấy mình không đơn độc giữa trùng khơi biển cả...
Bách bộ trên đường ven biển xóm 2, Hòn Tre, người đầu tiên chúng tôi gặp là anh xe ôm tên Đức Hiền, tuổi ngoài 40, đang cầm đàn guitar phím lõm phóng xe đến điểm hẹn với các thành viên câu lạc bộ đờn ca tài tử. Đi một đoạn nữa lại gặp chú Hai Tao, 57 tuổi, có biệt danh "Hai vé số", tay cầm đàn sến, tay dắt vợ cùng đi. Còn nhiều cái tên tài tử gắn liền với nghiệp mưu sinh bình dân như anh Bảy ve chai, Út Bé thợ mộc, chị Bảy bánh mì...đang rôm rả trò chuyện trước buổi giao lưu được "nhúm" tại nhà của dì Út cà phê ở giữa xóm 2.
Tài tử đảo xa
Những ngày gió biển kèm mưa dông rít liên hồi, cái "sân khấu" nhỏ tự phát của cư dân đảo vẫn đông người. Ngón đàn của Hai Tao vé số vẫn tươi tắn nâng giọng trẻ cho chị em và nhiều thanh thiếu niên khi hát. Điệu lớp cứ thế nhịp nhàng trầm bổng nối nhau lan tỏa. Tiếng hát lúc ngân vọng, khi trầm mặc bi ai, buồn nhớ càng hát càng hay. Thế nhưng không một ai gượng gạo khuôn phép theo kiểu lễ lạt mà ngẫu hứng sáng tạo, như muốn trút vào đêm đen bao nỗi tâm tư, khắc khoải.
Anh Hữu Thanh - phó Phòng Văn hóa huyện đảo Kiên Hải, ôm đàn guitar mắt cứ lim dim nghe điệu buồn phương Nam mộc mạc mà gật gù tâm đắc. Cũng từ những nhóm hát dân gian như thế này mà đảo Hòn Tre có nhiều ngư phủ, thiếu phụ và cả những cư dân nghèo khó đã trở thành những tài tử ca hát hồi nào không hay. Anh Hồ Tỏ - ở xóm 1, biệt danh "tài tử ve chai", tự hào: "Nhờ hay hát mà mọi người biết đến tui và được mua may bán đắt". Bây giờ cứ buông gánh ve chai ra là anh hát mua vui cho bà con nghe. Nhiều chị em chỉ quen hát karaoke, lúc đầu còn ngọng nghịu, đớt đát nhưng khi được thầy đờn dìu dắt và cũng chỉ qua vài mùa bão dông nay đã nhuyễn nhừ câu cổ bắc nam.
Nài mãi một chị có tên Huỳnh Nga mới song ca bài Dòng sông quê em với Hồ Tỏ, chị kể: "Mỗi khi biển động là tụi tui lo, nhưng lo mà không làm được gì trước bão lớn mới khổ. Chỉ còn biết ca với các anh chị trong xóm cho bớt buồn lo!". Ông xã chị Huỳnh Nga và nhiều ngư phủ đang lênh đênh trên biển cũng khoái ca cổ, anh em vẫn thường mở máy bộ đàm hát thay lời thương nhớ. Có lúc ở nhà các chị, các mẹ khi mở bộ đàm còn nghe các ngư phủ hát hò giao lưu tặng nhau rôm rả. Thích thì hát và hát ngẫu hứng, hát không bị gò ép, hát như tài công, ngư phủ lạc quan trước phong ba bão táp.
Điệu buồn phương Nam...
Anh Hữu Thanh tâm sự từ chục năm qua, các nhóm hát, rồi câu lạc bộ hát cứ tự phát lập nên. Hiện nay các tổ ấp, chi đoàn thanh niên, hội phụ nữ đều có thành viên mê hát giao lưu đờn ca tài tử. Nhiều gia đình ở gành biển, ở đầu và cuối đảo heo hút cũng hội nhóm hát hò hằng tuần hằng tháng. Mọi người tự đến với nhau dần dà thành phong trào đờn ca tài tử như bây giờ. Nhờ phong trào và những đội nhóm này mà xã đảo bây giờ giảm hẳn tệ nạn xã hội, thanh niên trai tráng cũng ít nhậu nhẹt...
Những ngày biển lặng, trên các mỏm đá ở khu vực Hà Bá, Hòn Tre lại có nhiều lão ông gật gù câu cá, cá không cắn câu lại cất tiếng Nam ai trữ tình. Rồi nhiều gia đình ở ấp 3 cuối đảo Hòn Tre lại gõ nhịp song loan nhóm họp cùng hát. Mỗi lần nghe tiếng song loan lại có người thấy sốt ruột muốn nhanh đôi chân cùng vào hội hát. Nhưng rồi điệu buồn phương Nam vẫn man mác buồn tênh dù sóng gió đã dịu ngọn...
Đem cái buồn của đảo xa đến gặp một vài vị lãnh đạo huyện thì được biết ngoài sân bóng đá và cái cầu cảng nhỏ hẹp cũ kỹ ra, xã đảo này không còn mô hình vui chơi giải trí nào hấp dẫn. 4.500 cư dân trên đảo Hòn Tre (rộng chừng 4,5km2) vẫn khát khao có được các đoàn cải lương hay các ngôi sao văn nghệ đến biểu diễn nhưng nhiều năm qua đảo vẫn vắng tênh.
Ông Khải Hoàn, trưởng Ban Tuyên giáo huyện đảo, cho biết đảo xa luôn thiệt thòi, không có quĩ đất xây dựng sân chơi thể thao văn hóa; huyện có mời nhưng các đoàn cải lương, ca nhạc đều từ chối vì lý do đường xa lỗ lã, thu không đủ chi. Không riêng gì Hòn Tre mà ba xã đảo khác như An Sơn, Lại Sơn, Nam Du đều có chung thực trạng "thiếu thốn, thiệt thòi".
QUANG VINH