Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Nguyễn Đình Nghĩa: tiếng sáo đã hôn mê

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 100 Contributor
Male
cầm sư cấp 1
admin Posted: 09-25-2006 21:26

Nguyễn Bá Trạc VietMercury:

"Tôi sinh hoạt âm nhạc ở Việt Nam chưa từng nghe ai thổi sáo hay như Nguyễn Đình Nghĩa. Anh là người thổi sáo hay nhất, kể cả đến bây giờ. Nghe Nghĩa thổi Phượng Vũ, hệt như xem một con chim bay múa trên trời," nhạc sĩ Phạm Duy, 83 tuổi, người kỳ cựu trong làng nhạc Việt Nam phát biểu khi hay tin Nguyễn Đình Nghĩa bị tai biến mạch máu não.

Tiếng sáo đã hôn mê.

Biến cố xẩy ra hôm 11 tháng Năm, 2003, trong lúc gia đình Nguyễn Đình Nghĩa trình diễn trên sân khấu của American History of Nature Museum, New York. Chương trình khai mạc lúc 11 giờ trưa với bài sáo "Lý Qua Đèo" của Nguyễn Đình Nghĩa. Con gái lớn, Đoan Trang đệm tam thập lục. Con gái thứ, Nam Phương đệm đàn tranh. Các con trai Nguyễn Đình Nghị đệm ghi ta, Nguyễn Đình Hòa đệm bass. Trong mục mở màn này, Đoan Trang, 40 tuổi, nhớ lại tiếng sáo của bố, 61 tuổi, dường như "có vẻ mệt, không tròn đầy như bình thường." Sau khi Nam Phương độc tấu "Hành Vân" bằng đàn bầu, Đoan Trang độc tấu bài "Trở Về Cao Nguyên" bằng đàn T'rưng, "thì nghe có tiếng xôn xao ở cánh gà." Đoan Trang nói lúc ấy nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa đã "trợn mắt té xỉu trong phòng nghỉ của đàn ông." Buổi trình diễn huỷ bỏ. Cây sáo đột quị vì stroke. Đoan Trang cho biết nhạc sĩ Nguyễn Đình Nghĩa "bị tiểu đường cả chục năm nay, trước khi trình diễn cũng đã chích insulin."

Tiếng sáo thần

Ở miền Nam Việt Nam, báo chí thời thập niên 1960 thường mệnh danh Nguyễn Đình Nghĩa là "Tiếng Sáo Thần." Nhạc sĩ Phạm Duy cũng ân cần nhắc nhở đến danh hiệu ấy khi nhớ lại những ngày "58-60, lúc tôi giới thiệu Nghĩa ra thổi ở quán Anh Vũ của kiến trúc sư Võ Đức Diên, đường Bùi Viện. Sau đó Nghĩa đã có mặt ở tất cả các ban ngâm thơ trên các đài phát thanh... Người ta gọi Nghĩa là Tiếng Sáo Thần." Tại Mỹ, ký giả Stella Dawson cuả tờ Northern Virginia Sun so ông với Jean-Pierre Rampal - người Pháp, một trong vài người thổi sáo cổ điển hay nhất thế giới đương đại: "Nguyễn Đình Nghĩa là Jean-Pierre Rampal của âm nhạc truyền thống Việt Nam." Gia đình Nguyễn Đình Nghĩa đến Mỹ trong tháng 7, 1984. Sau những buổi trình diễn đầu tiên, rất mau chóng, giới truyền thông đã giới thiệu ông trên các đài truyền hình NBC News, CBS News... với phần phỏng vấn của các ký giả Connie Chung, Jack Reynolds. Miền đông nước Mỹ nhìn nhận tài năng Nguyễn Đình Nghĩa qua bốn giả thưởng của Maryland State Council, dành riêng cho các nghệ sĩ cá nhân xuất sắc, vào những năm 1994 - 1998 - 2000 - 2002. Nguyễn Đình Nghĩa chuyên về sáo ngang, nhưng cũng sư? dụng động tiêu (sáo dọc, ống lớn, nốt trầm), đàn bầu, đàn tranh và đàn T'rưng (một loại xylophone của vùng cao nguyên Việt Nam). Với cây sáo trúc nguyên thủy 6 lỗ, ông sáng tạo ra cây sáo 11 lỗ, rồi 16 lỗ, để có thể tấu được nhạc cổ điển, thổi được những nốt thăng giáng, đồng thời vẫn thổi ngũ cung mà không mất đi âm sắc của cây sáo trúc nguyên thủy Ông cũng sáng tạo nên toàn bộ cây đàn T'rưng cải tiến: từ một cột hơi ra hai cột hơi, mở rộng từ một bát độ nguyên thuỷ của đàn T'rưng thành bốn bát độ, để trình tấu được các tấu khúc cổ điển tây phương và hiện đại. Những công trình ấy, Nguyễn Đình Nghĩa thực hiện trong thời gian kẹt lại Việt Nam sau biến cố 1975, với chín năm lặn lội đi lại trình diễn và nghiên cứu nhạc trên vùng cao nguyên. Về việc này, nhà văn Phan Nhật Nam, người bạn từ thơ ấu của Nguyễn Đình Nghĩa, ghi nhận rằng "anh đã gọt không phá hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, mà hàng chục ngàn ống tre... Chọn lọc, nấu luộc, phơi nắng, cất giữ để có những ống tre tối ưu... Căn nhà anh trở nên một rừng tre nhân tạo tua tủa những ống tre. Từng ngày, từng ống tre được gọt theo từng 1/5, 1/10 milimetre một... Vào năm 1981, Nghĩa hoàn tất chiếc đàn T'rưng đồ sộ gồm 26 ống có khả năng tiết tấu bốn bát độ. Ngoài ra Nghĩa cũng cậy đến một sáng kiến khác của người Nhật Watanabé, nhạc sĩ này đã tìm ra một 'gam vô tình' cũng có thể gọi là 'gam mềm' sau khi gắn vào thêm hai ống, và chiếc đàn 29 ống đã hoàn chỉnh."

Trong những cuộc trình diễn tại Mỹ, bộ đàn T'rưng này thường có lúc xếp đến 52 ống.

Gia đình nghệ sĩ

Trước 1975, Nguyễn Đình Nghĩa thường trình diễn một mình một sáo. Nhưng sang đến Mỹ năm 1984, hình a?nh trình diễn của ông, là hình ảnh ấm cúng của một gia đình. Trên sân khấu, tiếng sáo của ông quyện vào giọng ngâm thơ cuả vợ, bà Trịnh Thị Diệu Tân, (yêu nhau từ thuở còn thơ dại, ăn ở với nhau hơn bốn thập niên qua,) và các con gái: Nguyễn Diệu Đoan Trang (sinh năm 1963, sử dụng đàn T'rưng, đàn tam thập lục, trống đông phương, sáo,) Nguyễn Diệu Nam Phương (sinh năm 1964, đàn bầu, đàn tranh,) con trai Nguyễn Đình Nghị (sinh năm 1967, guitar,) hai con trai song sinh: Chiến và Hòa, sinh ngày 1 tháng 10, 1975, năm tháng sau khi chiến tranh kết thúc. Nguyễn Đình Chiến chơi trống tây phương và guitar. Nguyễn Đình Hòa chơi bass. Gia đình nghệ sĩ này đã trình diễn tại hàng trăm hí viện nhiều tiểu bang Mỹ và Gia Nã Đại, trong đó có những hí viện mà các nghệ sĩ cảm thấy vinh dự khi xuất hiện, như Carnegie Hall (New York,) Kennedy Center, Constitution Hall, Smithsonian Institution, Library of Congress (Washington D.C.) Về những buổi trình diễn ấy, nhạc sĩ Phạm Duy nói Nguyễn Đình Nghĩa và gia đình ông "là những người có công đem được nhạc thật thuần túy của Việt Nam ra giới thiệu với đất nước Hoa Kỳ và rất được tán thưởng. Họ cũng dự phần vào việc phát huy nhạc dân tộc Việt Nam, nhất là nhạc cao nguyên" mà ông giải thích là một loại nhạc phong phú nhất trong các loại nhạc miền núi Việt Nam.

Ngày xưa, ngày nay

Là cựu học sinh Lyceé Yersin, cựu giáo sư trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn, đại học Vạn Hạnh, ông Nguyễn Đình Nghĩa từng hoạt động trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương, và phụ trách nhiều chương trình thơ nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn. Nhớ lại những ngày xưa ấy, Phan Nhật Nam viết trong cuốn "Mùa Đông Giữ Lửa" (xuất bản tại Mỹ, 1997), kể lại Nguyễn Đình Nghĩa trong những năm ấu thơ ở Đà Nẵng, thời thập niên 50 "vốn là môn đồ Thiếu Lâm, vô địch điền kinh học sinh, nét mặt tươi vui đều đặn. Bạn có thể trở nên một tay hào hoa ăn chơi không âu lo với cung cách quen thuộc của dân học trường Tây, gia đình tài sản lớn. Nhưng đời bạn đã không theo con đường dễ dàng thuận lợi đó. Bạn chọn ngã chông chênh, nguy biến hơn... đó là Nghệ Thuật. Và bạn đã chọn hướng Nghệ Thuật hàng đầu là Âm Nhạc." Bài viết cuả Phan Nhật Nam kể lại mối tình của Nguyễn Đình Nghĩa với người bạn đời hơn bốn chục năm, bà Trịnh Thị Diệu Tân, bấy giờ là một nữ sinh trường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng "một cô gái tội nghiệp trong số những thiếu nữ hẩm hiu bất hạnh. Bạn không có nét quyến rũ, lộng lẫy, dù đang lúc thanh xuân khởi sắc. Bạn chỉ là một vóc dáng nhỏ bé linh hoạt, đôi mắt luôn sáng ánh ngạc nhiên." Ánh mắt của người con gái nhà nghèo, mồ côi cha này luôn luôn có "loáng lạ lẫm của tâm hồn đơn giản trung hậu trước những điều dữ dội, đe dọa từ cuộc sống." Ngày hôm nay, người con gái, người đàn bà ấy, cũng vẫn đang bị đe dọa. Qua điện thoại, bà khóc và cũng giọng nói nhỏ nhẹ ấy nói "Tôi sợ quá." Trong lúc chồng đang hôn mê, bà phải trọ trong một khách sạn, ở một mình giữa thành phố New York, hàng ngày phải thuê taxi vào bệnh viện săn sóc chồng. Gia đình các con đều ở cả Maryland, chỉ lên thăm được cha vào cuối tuần. Gần hai chục năm ở Mỹ, bà Diệu Tân vẫn không có xe, không biết lái xe, và "không biết ký check," con gái Đoan Trang cho biết. Đoan Trang nói thêm bà mẹ đã 18 năm nay làm việc cho hãng chế tạo thực phẩm "Grant Gourmet," nhờ vậy mà ông Nghĩa cũng đang được sử dụng bảo hiểm y tế của bà. Nhưng trong tình trạng này, gia đình người nghệ sĩ đang gặp nhiều khó khăn. Tiếng sáo Nguyễn Đình Nghĩa đã làm mê hoặc hàng triệu tâm hồn. Ở Mỹ, nó cũng đưa người Việt trở về với bầu trời cũ, với giòng sông Hàn, với thành phố xưa, cánh đồng lúa chín, những sóc Thượng Rhadé, Jarai, những ngày Hội Lập Buôn. Nhưng hôm nay, người thổi sáo đang hôn mê bất tỉnh đã hơn bẩy tuần lễ trong bệnh viện Lenox Hill, Manhattan. Cây sáo đang im tiếng, nhưng hy vọng chỉ tạm thời ngưng nghỉ.

www.vietnhac.org

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems