Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Cây sáo nặng nhất địa cầu!

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 1 Follower

Top 500 Contributor
Male
đại cầm thủ
bachdieu Posted: 01-02-2008 2:26

mời các anh em đọc bài này chơi

Với cây sáo nặng nhất địa cầu...

Ông Quân biểu diễn cây sáo to và nặng như cái xà beng.

Tôi ghét sự hồ đồ, nhưng tôi không nghĩ là mình đã hồ đồ khi nói cây sáo mà võ sư Trịnh Như Quân đang "khiển" là nặng nhất thế giới. Bởi sáo là nhạc cụ, nó có thể bằng tre, bằng trúc, bằng nhựa, nhưng cây sáo đã làm bằng sắt lại còn to và nặng đến nỗi ai ai cũng phải phong danh là "cái xà beng biết hát", có sức sát thương hơn cả trùy, cả kiếm của hiệp khách thời trung cổ, thì tôi tin bạn chưa nghe thấy bao giờ.

Chuyện lạ thế giới cũng chưa kể thế bao giờ. Chuyện xảy ra ở tỉnh Bắc Giang.

Bái "sư tổ" Đề Thám ở Rừng Phe

Võ sư Trịnh Như Quân, năm nay đã 57 tuổi, là người lãng mạn đến lơ phơ, một của hiếm trong những ngày người ta thích sống kiểu tên lửa vũ trụ này. Lần nào tôi lên Bắc Giang, ông cũng dẫn đi bát phố rồi khe khẽ hát nhạc tiền chiến, như tài tử Ngọc Bảo, như Nguyễn Văn Thương hay là ông Tô Vũ "Anh đến thăm em một chiều mưa". Tóc lõa xõa trước trán, áo cổ tròn cài khuy kiểu Tàu, dáng nhỏ thó, ăn chậm, nói chậm, mắt nhìn "đối thủ" rất mơ màng. Nhưng ông là một võ sư đáng nể, một nghệ sĩ kỳ dị.

Cụ thân sinh ra ông Quân là võ sư Hiền, từng thi đấu, từng làm trọng tài quốc tế trên nhiều đấu trường khiến giới võ lâm điên đảo một thời. Lớn lên, theo đòi nghiệp võ, vào làm ở Sở Thể dục thể thao Bắc Giang. Năm 1991, một lần đi điền dã sưu tầm các bài võ cổ trên quê hương của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, nơi núi rừng rợn ngợp chở che các tráng binh của cụ Đề Thám, từng làm quân Pháp thất điên bát đảo trong suốt 30 năm ròng (1883-1913), ông Quân đã bị hút hồn bởi tuyệt kỹ sáo võ Yên Thế.

Cây sáo này có khắc hình chim lạc...

Vào bản Rừng Phe, gặp được cụ Triệu Quốc Úy (năm 2008 tới đây, cụ Úy đã gần 90 tuổi, rất yếu) truyền nhân cuối cùng của bài sáo võ "Bóng trăng Phồn Xương", tương truyền là ngón võ sở trường và đam mê của chính Hoàng Hoa Thám - hùm xám Yên Thế - sau một lần xem và nghe biểu diễn, ông Quân đã đắm đuối.

Ông bỏ công bỏ việc, bỏ nhà bỏ cửa vào Rừng Phe "bái sư" luyện võ. Cụ Úy đã dày công "tu luyện" đưa "thiết địch thần phong" (bài võ dùng sáo sắt vừa thổi trong ngọn gió hoang dại tiêu dao của đại ngàn, vừa giết giặc) trở nên lung linh hơn. Đến mức, nhờ có uy danh cụ Úy mà trong cả vùng rừng núi mênh mông của Yên Thế, không có trộm cướp, giặc giã trong nhiều năm trời.

Trong một năm trời, sẵn năng khiếu và bản lĩnh võ thuật, ông Quân đã học được âm thanh và các ngón võ biến ảo của cây sáo sắt lạnh ngắt. Đến năm 1993, ông Quân bắt đầu biểu diễn bài "Bóng trăng Phồn Xương" và sáo võ đã chính thức được ghi vào "Sổ tay võ thuật toàn quốc", sánh vai với các "kinh đô" võ thuật lớn trong cả nước. Liên tiếp, các chiêu võ sáo đã đoạt nhiều giải đặc biệt trong các hội diễn thể thao, văn hoá các dân tộc trong cả nước.

Thật ra thì việc điều khiển một cây sáo vừa chơi "nhạc" vừa đánh nhau khi xung trận không phải là cái gì quá lạ lẫm với những người để ý đến võ thuật. Cây sáo của ông Quân, sắt thì cũng đúng là sắt, nhưng tưởng là tre trúc thì cũng không có gì khả nghi. Sáo vừa để ngồi lưng trâu tiêu dao với đất trời. Vừa là tín hiệu truyền tin "thám báo", vừa là vũ khí có thứ nguỵ trang tuyệt vời, là bùa mê thuốc lú đánh lạc hướng kẻ địch; lúc lại là thanh kiếm, cây đoản côn bằng sắt dữ dằn, tả xung hữu đột giữa trận tiền.

... và ba chữ "Cõi thiên thai".

Với 53 chiêu thức võ công, với 13 "bí kíp" cơ bản của kỹ năng sử dụng kiếm (thập tam kiếm pháp) được biến hóa để tạo sức công phá cho sáo sắt, bài võ "Bóng trăng Phồn Xương" đã thật sự là một cơn lốc chết chóc với kẻ thù. Khi biểu diễn, hứng lên, ông Quân và các đệ tử bổ một nhát sáo sắt chí tử vào chồng ngói cao ngất, tất cả đều tan tành.

Chỉ dài 60cm, nặng 4 lạng, cây sáo đã có thể kết thúc bằng một cú chém bổ chí tử. Có lẽ, cả một hòn đá to bằng quả dưa hấu, bằng cái thủ cấp kẻ thù để trước sân biểu diễn, võ sư Quân cũng dùng sáo đập cho tan tành được. Nghe tiếng sáo phát ra từ... khúc sắt, ai tinh ý có thể hiểu được tâm tình và cả nội công, bản lĩnh của người chơi. Cây sáo 4 lạng đã sát thương như thế, chắc ai cũng hiểu, cây sáo "Tiêu Tương" bằng sắt nặng gấp 10 lần như thế (4kg) sẽ đáng sợ tới mức nào.

Cây xà beng biết hát!

Đến một ngày, sau nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu võ thuật cổ, phát huy giá trị của "thiết địch thần phong", võ sư Quân quyết định đẩy nghệ thuật sáo võ lên một tầng bậc mới. Ông cho ra lò những cây sáo sắt mà không ai có thể nghi ngờ gì về kỷ lục lớn, nặng nhất thế giới của nó: Một cây sáo tên là "Tiêu Tương", dài 1,6m - nặng 4kg; một cây tên là "Cõi Thiên Thai" nặng 3,5kg; cây nữa tên "Giọt Mưa Thu"... Võ sư Quân đã tâm huyết nhiều tháng ròng để rèn giũa những cái cọc xà beng khổng lồ thành một cây sáo đích thực; chữ Nho dọc trên thân sáo được khắc tinh xảo, công phu; rồi ông còn chỉnh âm, luyện biểu diễn thành công biến tác phẩm của mình thành những "cái xà beng biết hát". Mà lại là "hát" hay.

Ông Quân lùng mua thứ sắt thép đặc biệt; rồi đặt hàng "rèn sáo" tại một lò rèn nổi tiếng ở Bắc Ninh, nơi có những anh thợ rèn được thửa từ những cái nôi từng luyện kiếm khét tiếng xưa kia. Chữ Nho viết trên sáo, ông Quân phải đích thân cầu thị mang lễ vật đến nhà xin nhà nghiên cứu "bác cổ thông kim" Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bắc Giang. Cái việc khắc chữ lên sắt thì phải về tận thành phố Bắc Ninh mời một nghệ nhân từng đục khắc bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) lên đảm trách. Bản thân võ sư Quân thì bỏ mặc ngôi nhà đang xây dở cho vợ để suốt ngày ông cò cưa ký quéc đi dùi khoan lỗ cho sáo sắt.

Võ sư Quân ngồi, lên gồng, đưa cây sáo sắt lạnh ngắt, nhẵn bóng vết tay người lên ngang môi và đắm đuổi thổi. Kỳ lạ, chỉ riêng cái việc vác sáo lên vai, người ta cũng dễ đến ê ẩm cả người, mà ông Quân chơi đủ cả kim cổ giao duyên, từ "Tiếng sáo người lính trẻ", "Ngày hội non sông" cho tới nhạc tiền chiến, với những: Suối mơ, Thiên thai, Giọt mưa thu. Đến cái đoạn của Đặng Thế Phong: "Giọt mưa thu/ thánh thót rơi/ trời lắng u hoài/ mây hắt hiu ngừng trôi", tiếng sáo vẫn bay vổng lơ đãng giữa trời, thì ai nấy giật mình ồ lên theo cái lối nói của các hiệp sĩ xưa: "Nội công thâm hậu!". Quả thế, trước khi nói đến nghệ thuật biểu diễn cây sáo lớn và nặng nhất thế giới, cần khẳng định là gân cốt, sức "thổi hơi" của cái ông Quân ngấp nghé lục tuần này dẻo thật.

Bài sáo võ cổ "Bóng trăng Phồn Xương" được biểu diễn mơ màng và dũng mãnh, như sau: Đăm đắm dưới trăng, người dũng sĩ cầm hờ sáo trên tay, dải tua rua phất phơ trong gió, chàng đứng thế hạc tấn, ngón tay trỏ như mỏ hạc ngước hờ lên nền trời, ý rằng trăng đang mơ màng sáng nơi xa xăm.

Rồi chàng chuyển thế trảo mã tấn, mắt nhìn xuống đất, cúi người, tay khua nhẹ trong không gian thấp, ý rằng đang thưởng nguyệt bên hồ nước. Nhạc nổi lên, phiêu ly, dồn dập, lãng đãng như mây. Người võ sĩ chỉ có 10 phút để biểu diễn đủ gần 50 thế võ ảo diệu, vi tế, mà lại phải có sức đả thương dũng mãnh nhất. 

Võ sư Quân múa cây sáo vèo vèo, tiếng gió rít đến lạnh gáy người thường. Ông bảo, cây sáo đã được nung qua lò lửa nóng chảy ở nghìn độ C, nước và lửa không làm nó rạn vỡ cong vênh hay thay đổi âm lượng âm vực được. Tả xung hữu đột giết thù nhuộm máu giữa ba quân, nó vẫn réo rắt mê đắm như thường. Là một đoản côn, là một thanh kiếm dữ dằn; nhưng hơn thế, đó là một nhạc cụ thật sự. Sáo thuộc vào tông đô trưởng, ông Quân bảo: "Cây sáo khổng lồ của tôi có thể hoà nhạc điện tử, đáp ứng tốt được các tiêu chuẩn âm nhạc quốc tế, từng được "thẩm định" qua nhiều kỳ biểu diễn, hội diễn. Tôi đã nhờ nhiều chuyên gia, nhạc sĩ có uy tín ở Bắc Giang, ở Hà Nội mang máy của tây về đo đạc đàng hoàng".

Ông muốn nghiên cứu, phát triển nghệ thuật sáo võ, ông không phải là một võ sư múa cây sáo sắt như Tôn Ngộ Không múa thiết bổng. Mà vấn đề là phải đẩy nghệ thuật biểu diễn sáo sắt đến độ âm thanh và các đường thế tấn công của vũ khí như gió, như mây, lúc như bão táp mưa sa, làm "quân địch" bạt vía kinh hồn. Chỉ nghe tiếng sáo sắt từ cây "gậy Như Ý" vang vọng, "đối phương" đủ hiểu hắn đang gặp một đối thủ "khả kính" như thế nào. Đó là khát vọng để đời của võ sư Trịnh Như Quân.

Không biết giấc mơ chấn hưng và thăng hoa cho Thiết địch thần phong, nghiên cứu ca từ, âm nhạc, viết sách về võ thuật, biểu diễn tiếng sáo và bài võ từ cây sáo sắt to và nặng như xà beng của võ sư Quân sẽ đi về đâu? Chỉ biết rằng, trong căn phòng riêng luộm thuộm của mình, ông Quân đang bò ra nghiên cứu từng ca khúc, nắn sửa từng thế võ, và sáng sáng chiều chiều tiếng sáo sắt lại réo rắt vang lên với tất cả bầu nhiệt huyết. Thỉnh thoảng, ông lại bỏ hai cây sáo sắt lớn vào bao, đeo như đeo súng trường lủng lẳng đi biểu diễn ở núi đồi, ruộng đồng hay một hội trường trang trọng nào đó. Chợt ông Quân lại mơ màng: Hình như các nhạc sĩ xưa kia sáng tác các ca khúc bất hủ, họ đều viết về... đất Hà Bắc chúng tôi để cho... chúng tôi biểu diễn "Thiết địch thần phong" hay sao ấy(!?).

Này nhé, toàn ca từ trong những nhạc phẩm kinh điển, ai chả thuộc: "Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng. Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng"; nữa chứ: "Nhớ ai trên mấy trên núi đồi Yên Thế/ kìa nước xa xa/ sông Cấm còn mịt mùng". Bài "Con thuyền không bến" của Đặng Thế Phong, "trên sông Thương/ nào ai biết nông sâu...".

Võ sư Quân vẫn réo rắt quay cuồng biểu diễn võ sáo. Mặc, ngoài kia, ngay cổng nhà ông, người xứ Bắc cứ ồn ã xây chung cư cao tầng và bóp còi xe nhức óc. Ông Quân chìm lút đến ngộp thở với bóng trăng xa xăm của Phồn Xương, của núi rừng Yên Thế, với cả sông Thương chậm nguồn trên xứ Bắc...

Theo Đỗ Doãn Hoàng - Lao Động

 

 

Việt Nam Mến Thương!

Top 500 Contributor
Male
đại cầm thủ

bực mình quá đi mất, em đang post bài thì thằng bạn đụng vào máy làm hư mất mấy cái hình kèm theo, anh em nào muốn coi vào tuoitre.com.vn coi nhé.

 

Việt Nam Mến Thương!

Page 1 of 1 (2 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems