Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
Cách đây ít lâu, khi đến Công viên 30.4 (TP.HCM) để viết bài về Lão nghệ sĩ du ca đường phố Tạ Trí Hải, người viết thấy một anh chàng cao dong dỏng vừa đánh đàn guitar vừa thổi kèn harmonica hòa theo tiếng đàn của ông Hải. Khi biết người viết là nhà báo, anh đưa một tấm danh thiếp ghi tên Nguyễn Hòa Minh với chi chít những dòng “tự tiếp thị”: Dạy: kèn harmonica, violon, piano, guitar, organ, hát... Biểu diễn độc tấu 4 trong 1: guitar + kèn harmonica + hát + trống. Vừa chơi kèn vừa ăn uống”. Mặt sau của danh thiếp cũng được tận dụng: “Tôi là người có bộ kèn harmonica duy nhất tại Việt Nam do tự sáng chế có đủ các tông nhạc như: Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La, Si... để chơi bất cứ bài nhạc từ cổ điển đến hiện đại”. Ái chà, anh chàng này “P.R” mình khiếp quá! Nghĩ vậy, nhưng người viết vẫn tò mò muốn biết thực chất tài năng của anh ta đến đâu nên đề nghị một cái hẹn...
Từ “trùm” kèn harmonica...
Tại buổi gặp, Hòa Minh thừa nhận mình dùng từ sai (“tự sáng chế”), mà lẽ ra phải là “cải tiến” kèn; nhưng anh vẫn cho rằng mình là một trong những “trùm” kèn harmonica. Bởi theo anh hiện nay ngoài thị trường Việt Nam chỉ có kèn harmonica tông Đô trưởng (C) hoặc La thứ (Am) cho nên các nghệ sĩ chỉ có thể chơi được một số nhạc phẩm nhất định nằm trong tông Đô trưởng hoặc La thứ như: Cánh bướm vườn xuân, Dừng bước giang hồ (C), Hạ trắng (Am)... Do vậy, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, Hòa Minh đã cải tiến thành công cây kèn harmonica với một bộ 7 cây, đủ các tông: Đô, Rê, Mi, Fa, Sol, La và Si giáng. Đặc biệt, trên mỗi cây kèn này, hàng ô vuông phía dưới (để thổi) được anh cải tiến để có thể chơi được các nốt thăng hoặc giáng mà không phải đổi cây kèn đang thổi.
Hòa Minh biểu diễn ngay tại quán cà phê: vừa đánh guitar, vừa thổi kèn (bằng một thiết bị tự chế móc vào cổ) các bản nhạc có giai điệu chuyển từ tông trưởng sang thứ hoặc ngược lại như: Giã từ dĩ vãng (Nguyễn Đức Trung), Cát bụi (Trịnh Công Sơn), Buồn ơi chào mi (Nguyễn Ánh 9), Điệp khúc mùa xuân (Quốc Dũng)... Chưa hết, Nguyễn Hòa Minh còn biểu diễn các nhạc phẩm quốc tế đòi hỏi kỹ thuật cao như: Toccata, Tico Tico, Romance, A Qui Zamora, Bésame Mucho..., và cả những bản nhạc “chuyên dụng” cho piano như Lyphard Melody (của Richard Clayderman), Flots du Danuble (của J.Ivanovici) mà theo anh thì rất hiếm nghệ sĩ kèn harmonica Việt Nam nào thể hiện được.
...đến chuyện lạ Việt Nam
Được Hòa Minh mời đến nhà ở sâu trong một con hẻm trên đường Lý Chính Thắng (Q.3, TP.HCM), người viết thực sự sốc khi chứng kiến “nhà” của anh chỉ là một căn gác lửng cót tre mái lá, ghép tạm bên vách căn nhà hàng xóm. Bề ngang chỉ 2 mét, dài 4 mét. Không bàn ghế, chỉ có một tấm nệm đặt giữa nhà, trên vách treo 2 cây đàn guitar còn chung quanh thì chất đầy các nhạc cụ khác với một tủ đựng tivi, ampli, đầu DVD (có lẽ đây là thứ có giá trị nhất trong “nhà”).
Hòa Minh kể, anh sinh năm 1970 tại Tiền Giang. Từ thuở nhỏ đã rất thích âm nhạc cũng như chơi các loại nhạc cụ nhưng mãi đến năm 1990, khi một mình lên TP.HCM tìm kế sinh nhai, bằng số tiền lương ba cọc ba đồng để dành, Hòa Minh mới mua được cho mình một cây kèn harmonica (rẻ nhất trong các loại nhạc cụ). Từ đó cái âm thanh réo rắt của kèn harmonica luôn choáng ngợp tâm trí Hòa Minh. Làm được đồng nào, anh dành dụm để mua nhạc cụ, mua sách hướng dẫn tự học... Sau gần 20 năm, Hòa Minh đã sử dụng thành thạo các loại đàn piano, guitar, violon, accordeon, organ và các loại kèn harmonica, pianica... Ban ngày anh dạy nhạc ở Nhà văn hóa Q.3 (TP.HCM), buổi tối biểu diễn đàn-kèn tại các nhà hàng hoặc trong các tiệc cưới...
Khi Hòa Minh mở DVD Những kỷ lục của Hòa Minh (do các bạn của anh thực hiện) cho xem, người viết bị thuyết phục bởi những chuyện lạ Việt Nam mà Hòa Minh đã thực hiện. Đó là những tiết mục mà anh gọi là “4 trong 1” như: tay đàn guitar, miệng thổi kèn harmonica, chân đánh trống và hát (dĩ nhiên lúc đó thì... ngưng thổi kèn); rồi vừa chạy xe đạp (buông tay lái) vừa đánh đàn, thổi kèn, hát (Minh kể phải đem “đồ nghề” vô khu đô thị Nam Sài Gòn, ở đó đường vắng xe mới dám trổ tài); hay vừa chơi đàn piano vừa thổi pianica, harmonica và hát. Có lúc anh vừa đàn, vừa chơi 2 cây kèn harmonica khác tông gắn song song trên cùng một cần đỡ, để tạo thêm những âm sắc phong phú cho nhạc phẩm.
Sau những ngày tháng âm thầm tập luyện và đạt được những thành công nhất định, Hòa Minh hy vọng những tiết mục chuyện lạ Việt Nam của mình sẽ được nhiều người biết đến để anh có thể đi biểu diễn nhiều nơi hơn, ngỏ hầu có thêm điều kiện theo đuổi đam mê nghệ thuật của mình.
Hà Đình Nguyên