Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Giới thiệu đàn bầu

rated by 0 users
This post has 4 Replies | 1 Follower

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 3
Nguyen Tan Posted: 07-16-2008 22:37

Đàn bầu (theo bách khoa tòan thư Wikipedia)

Đàn bầu, tên chữ là độc huyền cầm, là loại đàn một dây của người Việt, gảy bằng que hoặc miếng gảy. Đàn có hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ. Đàn thân tre là đàn của những người hát xẩm. Thân đàn làm bằng một đoạn tre hoặc bương dài khoảng 120 cm, đường kính 12 cm. Mặt đàn là chỗ đã được lóc đi một phần cật thích hợp trên đoạn tre hoặc bương. Đàn hộp gỗ là loại đàn cải tiến, dùng cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đàn hộp gỗ có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau, thường làm bằng loại gỗ nhẹ, xốp như gỗ ngô đồng, gỗ vông. Nhiều nghệ nhân tài năng đã dùng tiếng đàn bầu mô phổng giọng nói của cả ba miền Nam, miền Trung, miền Bắc và giọng nam, giọng nữ hoặc ngân nga như ngâm... Đàn bầu phù hợp với những giai điệu trữ tình, êm dịu, tuy nhiên những nghệ nhân xẩm có thể sử dụng nó để diễn những bài hát vui như xẩm xoan hoặc những ca khúc mới, giàu chất tươi tắn và khỏe mạnh. Ca dao Việt Nam có câu "Đàn bầu ai gãy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu" ý nói tiếng đàn dễ dàng thu hút được tình cảm người nghe. Trước đây đàn bầu giữ nhiệm vụ độc tấu hoặc đệm hát, tham gia những ban nhạc cổ truyền cùng với đàn nguyệt, đàn tam, nhị hay tỳ bà... ngày nay một số cây được gắn thiết bị điện, tăng âm nên có thể độc tấu ngoài trời hoặc hòa tấu với dàn nhạc lớn, nhiều nhạc cụ. Người ta thường chỉnh đàn bầu theo dây buông có âm tự nhiên, nhưng có khi chỉnh theo từng bài bản. Nếu bài nhạc cung đô thì chỉnh dây buông tự nhiên là đô. Ngoài ra còn vài cách lên dây khác. Cách khảy đàn đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt. Người diễn cầm que bằng tay phải, đặt que trong lòng bàn tay phải, đặt que trong lòng bàn tay làm sao để que hơi chếch so với chiều ngang dây đàn. Khi vừa khảy que vào dây cùng lúc cạnh bàn tay cầm que phải chạm nhẹ vào dây đàn ở điểm nhất định nào đó trên dây rồi nhấc tay ra ngay. Tiếng đàn ngân lên là âm bội, những điểm cạnh bàn tay chạm vào gọi là điểm nút, những nơi trên dây đàn được que khảy vào gọi là điểm khảy. Do đàn bầu không có phím nên những điểm nút được coi là cung phím của đàn bầu. Đàn bầu có âm vực rộng tới 3 quãng tám, âm sắc đẹp vì là âm bội. Tiếng đàn có khi buồn bã, thiết tha, có khi ngọt ngào tình tự, diễn tốt tình cảm của con người. Âm thanh phát ra trong vòng 2 quãng tám nghe khá rõ ràng dù là âm bội. Nếu sử dụng âm thực với sự tác động kéo căng hay giảm dây của vòi đàn, âm vực của đàn bầu có thể vượt trên 3 quãng tám

Sử liệu

Sách Đường thư của Trung Quốc, Nam Man truyện[1] chép: "Dĩ bạch mộc vi chi, bất gia sức, tào hình trường như nhựt tự dạng, dụng trúc tác tào bính, xuyên dĩ không hồ, trương huyền vô chẩn, hửu thủ dĩ trúc, phiến bát huyền dĩ phát thanh, tả thủ nhấn trúc can nhi thành điệu." Nghĩa là: "Lấy gỗ nhẹ mà làm, không trau chuốc chi, thùng đàn dài hình chữ nhật, đầu chót cắm cán tre, xâu nửa quả bầu khô, giăng dây không phiếm, tay phải lấy que trúc nảy lên tiếng, tay trái nấng cần tre mà thành điệu." Qua đó cho thấy rằng vào thế kỷ thứ 7 đàn bầu đã xuất hiện ở Việt Nam

Mô tả đàn bầu

Đàn bầu là loại đàn hình hộp chữ nhật, một đầu to, một đầu nhỏ hơn một chút, thường dài khoảng 110 cm, bề ngang khoảng 12,5 cm, đầu nhỏ khoảng 9,5 cm, cao khoảng 10,5 cm. Mặt đàn và đáy đàn bằng gỗ ngô đồng, hoặc gỗ thông hay gỗ tung. Mặt đàn hơi cong lên một chút, đáy đàn phẳng có một lỗ nhỏ để treo đàn, một hình chữ nhật ở giữa để cầm đàn và một khoảng trống để cột dây đàn. Thành đàn bằng gỗ cứng như cẩm lai, hoặc mun để cho chắc chắn và vò thể cẩn ốc được. Trên thành đàn phía tay mặt người khảy đàn có một miếng xương hoặc kim loại nhỏ gọi là ngựa đàn, qua ngựa đàn, sợi dây thép dầy khoảng 40 mm được luồn xuống và cột vào cái trục xuyên qua thành đàn gọi là cái trục lên dây đàn, trục này đẹp vì nó được dấu phía sau thành đàn, nhưng rất dễ tuột dây vì vậy ngày nay người ta dùng khóa sắt cho chắc hơn. Về phía tay trái người đàn, có một cần dây đan còn gọi là vòi đàn trên đó gắn nửa trái bầu khô hoặc tiện bằng gỗ, một đầu dây đàn cột vào cần khoảng giữa bầu đàn. Ngoài ra, để tăng âm lượng tiếng đàn, người ta lắp mobin điện vào dưới mặt đàn, đồng thời phải khoét một lỗ cắm dây zắc dẫn tín hiệu rung của dây vào bộ phận tăng âm. Chính vì xài điện nên dây đàn phải dùng dây bằng thép thay vì bằng inox.

Cách cột dây đàn

Cột dây đàn bầu tương đối khó nên chúng ta xem qua cách cột dây một chút.

Que khảy đàn: Đây là một bộphận quan trọng dể khảy đàn bầu, Que thường được vót bằng tre, bằn giang, bằng thân dừa, gỗ mềm mại hơn, người ta hay làm bông boặc tưa đầu nhọn một chút. Ngày xưa hay dùng que dài khoảng 10cm, ngày nay với nhiều kỹ thuật diễn tấu nhanh nên người ta hay dùng que ngắn chừng 4-4,5 cm.

Các tư thế diễn tấu: Thông thường nhất là đàn bầu đặt trên một cái bàn nhỏ (thường là hộp đàn có lắp 4 chân rời, trên mặt giá có 2 chỗ chặn để khi kéo dây, đàn khôn gbị di chuyển theo). Khi ngồi khoanh chân trên chiếu để đàn thì đầu gối chân mặt phải tì vào cạnh mặt đàn nhằm giữ cho cây đàn khỏi bị xê dịch. Cũng có thể đứng đàn, nhưng không đẹp và cây đàn không được vững bằng cách ngồi.

Cách cầm que đàn: Que đàn được đặt trên 2 đốt ngón tay trỏ và giữa của bàn tay mặt, còn đốt thứ nhất của ngón cái thì giữ que đàn, đầu nhỏ của que thường nhô ra khoảng 1,5 cm. Hai ngón còn lại thì hơi cong theo ngón trỏ và giữa. Khi khảy dây ta đặt cạnh bàn tay vào điểm phát ra bội âm, hất nhẹ que đàn cùng llúc nhấc bàn tay lên, ta sẽ có được âm bội.

Cách xác định điểm trên đàn: Nếu gọi dây buông là nốt C thì nếu chia dây từ cần đàn đến ngựa đàn: 1/2 dây có nốt C1 cao hơn dây buông một quãng 8, 1/3 dây sẽ là nốt G1, 1/4 ta sẽ có nốt C2, 1/5 dây sẽ có E2, 1/6 dây sẽ có nốt G2, 1/7 dây sẽ là nốt Bb (nhưng nốt này ít được sử dụng), 1/8 sẽ có nốt C3

Tóm lại, sáu điểm trên đàn la C1 – G1 – C2 – E2 – G2 – C3 là 6 diểm thông dụng nhất. Ngoài ra ta có âm thực tức là khảy dây buông, thường khảy gần ngựa đàn chứ không khảy vào các điểm đã ghi.

Bây giờ, trên 7 âm thanh này, nếu vài kỹ thuật tay trái như căng dây hoặc chùng dây, ta sẽ tạo được rất nhiều âm thanh khác nữa.

Cách đặt tay trái trên cần đàn

Ngón rung: Khi khảy dây, các ngón tay trái rung nhẹ cần đàn, âm thanh sẽ phát ra tự như làn sóng thì ta có ngón rung. Ngón rung rất quan trọng vì không những nó làm cho tiếng đàn mềm mại mà nó còn thể hiện phong cách của bản nhạc. Với các bài buồn, hoặc bài vui, ta phải rung theo những âm đã được qui định.

Ngón vỗ: Vỗ ngón cái, vỗ nón trỏ. Theo nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm thì ngón vỗ thường diễn tả tình cảm đau khổ, uát ức, nghẹn ngào.

Ngón vuốt: miết ngón tay vào cần đàn để cao độ trượt qua các âm và dừng lại ở âm qui định.

Ngón luyến: kéo thẳng cần lên hoặc xuống tới âm qui định

Ngón tạo tiếng chuông: Nón tạo âm bội trên âm bội có sẵn. v.v.

Đàn bầu trong đời sống âm nhạc dân tộc

Có thể nói chưa có nhạc khí dân tộc nào của nước ta được thay đổi, cải biến nhiều như đàn bầu. Xin mời chúng ta xem thử.

Cần đàn thay vì bằng tre thì nay bằng sừng trâu để cho mềm dễ kéo hơn.

Bầu đàn thay vì bằng vỏ bầu khô, người ta dùng sừng trâu, hoặc thông dụng nhất là tiện bằng gỗ để có thể cẩn ốc được.

Que đàn: Ngày xưa que đàn dài khoảng 10cm, nay có que ngắn khoảng 4cm. Que thường được chuốt bằng tre, giang, nay có thêm bằng gỗ, bằng dừa, hoặc bằng sừng trâu, nhưng sừng trâu dở nhất vì nó quá trơn. Theo nhạc sĩ Bùi Lẫm, thì vào thập kỷ 60, nghệ sĩ Mạnh Thắng là người sáng chế ra lối que gẩy ngắn, ông cũng là người đã cải tiến đưa phần khuếch đại âm thanh vào đàn bầu, và ông cũng là người đầu tiên đưa đàn bầu đi trình diễn quốc tế, mang giải thưởng cao quí cho Việt Nam.

Sau đó thì cũng với que gẩy ngắn này, nghệ sĩ ưu tú Đức Nhuận đã phát minh ra lối kỹ thuật vê trên 1 dây đánh bồi âm trên bồi âm.

Thân đàn: Ngày trước không dùng điện nên thân đàn to mặt đàn mỏng, khóa đàn bằng gỗ, ngày nay xử dụng mobine nên đàn thường nhỏ hơn, khóa đàn bằng sắt, gắn mobine trong đàn, khoét lỡ cắm dây zắc, và diểm táo bạo nhất mà không một nhạc khí nào dám làm, đó là cưa đôi đàn ra, xếp lại cho gọn, chừng nào đàn thì kéo thẳng ra.

Hộp đàn: Ngoài cái hộp thông thường dể đựng đàn, còn có loại hộp vừa để đựng đàn, vừa để làm cái bàn, rất tiện lợi và gọn gàng. Như chúng ta đã biết, đàn bầu luôn phải căng dây và chùng dây, vì vậy rất cần phải có 2 chỗ chặn 2 đầu cho đàn khỏi bị xê dịch.

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 3
 Đàn bầu - giai điệu quê hương (Theo Báo Huế)

Trong kho tàng văn hoá âm nhạc dân tộc Việt Nam, đàn bầu là loại nhạc cụ được coi là độc đáo và hấp dẫn nhất. Tiếng đàn du dương, trầm lắng khiến ai đã nghe một lần thì thật khó quên, chẳng thế các cụ ngày xưa đã kín đáo nhắc nhủ: "Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu".

"Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha
Ngân nga em hát, tích tịch tình tang"

Dường như âm thanh mộc mạc, chân quê nhưng sâu lắng đến vô cùng của cây đàn bầu, hoà quyện với tiếng lòng của tác giả đã tạo nên những vần điệu chất chứa trong bài hát ru ấy. Ðiều gì đã khiến cho cây đàn bầu có sức quyến rũ độc đáo đến vậy?

Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự xuất hiện của cây đàn bầu trong kho tàng văn hoá dân gian. Chỉ từ trò chơi trống đất của trẻ em đồng bằng Bắc Bộ là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã cho ra đời nhạc cụ mang tên đàn Bầu, được làm từ ống tre và quả bầu khô. Từ thời nhà Lý, đàn Bầu đã xuất hiện, nhưng thời ấy, nhạc cụ này chỉ dùng để đệm cho người hát xẩm. Thời gian qua đi, cây đàn dần được cải tiến, đàn được làm bằng những chất liệu tốt hơn như gỗ, sừng. Ông Ðỗ Văn Thước, một nghệ nhân làm đàn Bầu nói: "Cuộc sống và mọi sinh hoạt của nông dân Việt Nam đều bắt nguồn từ cây tre: ống nước, ống cơm, rổ rá, đòn gánh. Bởi vậy, để bảo vệ bụi tre, họ lấy dây rừng buộc quanh gốc tre, thấy âm thanh phát ra từ đó như những cuộc giao lưu tình cảm khiến người nông dân xưa nghĩ đến việc hạ tre thành cọc, căng dây tơ cho âm thanh hay hơn, rồi sử dụng vỏ quả bầu dài làm hộp cộng hưởng". Song có lẽ tất cả cũng chỉ là những giả thuyết. Còn thực tế thì cây đàn đã gắn bó với làng quê Việt Nam từ bao đời nay còn chưa ai biết.

Cái độc đáo ở đây là cây đàn cấu trúc rất đơn giản. Chỉ với một dây nhưng nó diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm. Âm thanh mang sức quyến rũ lạ kỳ, gần với âm điệu tiếng nói của người Việt, bởi vậy mà đàn Bầu trở thành nhạc cụ được mọi người yêu thích.

Ðể có được cây đàn như ý, người làm đàn phải rất công phu trong việc chọn lựa chất liệu. Cây đàn phải hội đủ hai yếu tố "Mặt ngô thành trắc", có ý nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ cây ngô đồng sao cho vừa xốp vừa nhẹ, thớ gỗ óng ả, thẳng thì mới có độ vang. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ, vừa đẹp lại vừa bền. Cần rung, còn gọi là vòi đàn được làm từ sừng trâu. Bầu đàn lấy từ quả bầu khô hoặc tiện bằng gỗ. Từ những chất liệu hết sức giản dị ấy, gia đình nghệ nhân Ðỗ Văn Thước đã cho ra đời biết bao đứa con tinh thần này. Sinh trưởng trong một gia đình 3 đời đều theo nghiệp làm nhạc cụ dân tộc, năm 1953, bác Thước được ông ngoại và cậu truyền cho nghề này. Ðến nay, khi đã nghỉ hưu, bác lại cùng vợ con chế tạo nên những chiếc đàn cao cấp chỉ dành riêng cho những nghệ sĩ chơi đàn trong các đoàn nghệ thuật.

Cũng có nhiều ý kiến khác nhau quanh vấn đề cấu tạo cây đàn. Người thì cho rằng, nên kéo dài đàn ra để có được tiếng trầm hơn hoặc đổi đàn bầu thành hai dây (một cao, một thấp), hai cần và mở to thùng đàn ra, nhưng cuối cùng tất cả đều không phù hợp. Việc dùng với đàn để căng dây lên hoặc hạ chùng dây xuống đã tạo ra nhiều âm thanh và cao độ khác nhau. Cần đàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc độ âm thanh khác nhau và làm cho tiếng đàn tròn, mượt. Mặt đàn với thớ gỗ óng ả, khi kết hợp với cộng hưởng sẽ tạo nên âm thanh vang và trong. Ðàn còn được trang trí bằng nhiều hoa văn hoặc khảm trai với các hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt phong phú của người dân VN. Ngày nay người ta có xu hướng thay thế đàn gỗ bằng đàn điện, kéo dài và làm mỏng thân đàn để tạo âm trường và tiếng vang hơn.

Ðàn bầu thể hiện một cách thành công những làn điệu dân ca khác nhau của từng vùng, từng miền của dân tộc. Nó còn có thể diễn tấu rất hay những giai điệu nhạc nước ngoài, từ nhạc dân gian đến nhạc nhẹ. Nghệ sĩ đàn Bầu Kim Thành cho biết, hiện anh còn giữ chiếc đàn Bầu có tuổi 70 năm của cố nghệ sĩ Bá Sách để lại. Chơi đàn dân tộc không phải là một nghề mang lại sự giàu có nhưng với anh đó là niềm đàm mê từ khi còn là đứa trẻ. Ðến nay đã 32 năm trong nghề, bằng lối chơi đầy sáng tạo qua mỗi lần biểu diễn, anh đã khiến người nghe say mê. Anh cho biết "năm 1994, tôi được mời đến nước Anh biểu diễn cho nữ hoàng Elizebeth tại Nhà hát Hoàng Gia. Buổi biểu diễn rất thành công. Sau đó tôi được mời ở lại định cư tại đất nước này. Nhưng tôi không thể rời bỏ được tổ quốc và gia đình ruột thịt của mình. Ðến năm 1995, một lần nữa, nữ hoàng Anh lại mời tôi sang biểu diễn. Ðây thật là một vinh dự lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Không chỉ có mình tôi, đến nay chúng ta đã có rất nhiều tài năng trẻ chơi đàn Bầu đang được cả nước và thế giới biết đến như Hoàng Tú, Huỳnh Tú..."

Phải chăng vì sự độc đáo có một không hai của cây đàn Bầu mà mỗi khi nhắc đến VN, nhiều khách nước ngoài đã xem cây đàn Bầu như một biểu tượng của VN "Ðất nước đàn Bầu", "Quê hương đàn Bầu". Nhà thơ nữ người Pháp MeRay đã thốt lên: "Cây đàn Bầu thật giống với con người Việt Nam. Nghèo của cải mà giàu lòng nhân ái, giản dị mà thanh cao, đơn sơ mà phong phú".

"Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha
Ngân nga em hát, tích tịch tình tang"

Dường như âm thanh mộc mạc, chân quê nhưng sâu lắng đến vô cùng của cây đàn bầu, hoà quyện với tiếng lòng của tác giả đã tạo nên những vần điệu chất chứa trong bài hát ru ấy. Ðiều gì đã khiến cho cây đàn bầu có sức quyến rũ độc đáo đến vậy?

Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự xuất hiện của cây đàn bầu trong kho tàng văn hoá dân gian. Chỉ từ trò chơi trống đất của trẻ em đồng bằng Bắc Bộ là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã cho ra đời nhạc cụ mang tên đàn Bầu, được làm từ ống tre và quả bầu khô. Từ thời nhà Lý, đàn Bầu đã xuất hiện, nhưng thời ấy, nhạc cụ này chỉ dùng để đệm cho người hát xẩm. Thời gian qua đi, cây đàn dần được cải tiến, đàn được làm bằng những chất liệu tốt hơn như gỗ, sừng. Ông Ðỗ Văn Thước, một nghệ nhân làm đàn Bầu nói: "Cuộc sống và mọi sinh hoạt của nông dân Việt Nam đều bắt nguồn từ cây tre: ống nước, ống cơm, rổ rá, đòn gánh. Bởi vậy, để bảo vệ bụi tre, họ lấy dây rừng buộc quanh gốc tre, thấy âm thanh phát ra từ đó như những cuộc giao lưu tình cảm khiến người nông dân xưa nghĩ đến việc hạ tre thành cọc, căng dây tơ cho âm thanh hay hơn, rồi sử dụng vỏ quả bầu dài làm hộp cộng hưởng". Song có lẽ tất cả cũng chỉ là những giả thuyết. Còn thực tế thì cây đàn đã gắn bó với làng quê Việt Nam từ bao đời nay còn chưa ai biết.

Cái độc đáo ở đây là cây đàn cấu trúc rất đơn giản. Chỉ với một dây nhưng nó diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm. Âm thanh mang sức quyến rũ lạ kỳ, gần với âm điệu tiếng nói của người Việt, bởi vậy mà đàn Bầu trở thành nhạc cụ được mọi người yêu thích.

Ðể có được cây đàn như ý, người làm đàn phải rất công phu trong việc chọn lựa chất liệu. Cây đàn phải hội đủ hai yếu tố "Mặt ngô thành trắc", có ý nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ cây ngô đồng sao cho vừa xốp vừa nhẹ, thớ gỗ óng ả, thẳng thì mới có độ vang. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ, vừa đẹp lại vừa bền. Cần rung, còn gọi là vòi đàn được làm từ sừng trâu. Bầu đàn lấy từ quả bầu khô hoặc tiện bằng gỗ. Từ những chất liệu hết sức giản dị ấy, gia đình nghệ nhân Ðỗ Văn Thước đã cho ra đời biết bao đứa con tinh thần này. Sinh trưởng trong một gia đình 3 đời đều theo nghiệp làm nhạc cụ dân tộc, năm 1953, bác Thước được ông ngoại và cậu truyền cho nghề này. Ðến nay, khi đã nghỉ hưu, bác lại cùng vợ con chế tạo nên những chiếc đàn cao cấp chỉ dành riêng cho những nghệ sĩ chơi đàn trong các đoàn nghệ thuật.

Cũng có nhiều ý kiến khác nhau quanh vấn đề cấu tạo cây đàn. Người thì cho rằng, nên kéo dài đàn ra để có được tiếng trầm hơn hoặc đổi đàn bầu thành hai dây (một cao, một thấp), hai cần và mở to thùng đàn ra, nhưng cuối cùng tất cả đều không phù hợp. Việc dùng với đàn để căng dây lên hoặc hạ chùng dây xuống đã tạo ra nhiều âm thanh và cao độ khác nhau. Cần đàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc độ âm thanh khác nhau và làm cho tiếng đàn tròn, mượt. Mặt đàn với thớ gỗ óng ả, khi kết hợp với cộng hưởng sẽ tạo nên âm thanh vang và trong. Ðàn còn được trang trí bằng nhiều hoa văn hoặc khảm trai với các hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt phong phú của người dân VN. Ngày nay người ta có xu hướng thay thế đàn gỗ bằng đàn điện, kéo dài và làm mỏng thân đàn để tạo âm trường và tiếng vang hơn.

Ðàn bầu thể hiện một cách thành công những làn điệu dân ca khác nhau của từng vùng, từng miền của dân tộc. Nó còn có thể diễn tấu rất hay những giai điệu nhạc nước ngoài, từ nhạc dân gian đến nhạc nhẹ. Nghệ sĩ đàn Bầu Kim Thành cho biết, hiện anh còn giữ chiếc đàn Bầu có tuổi 70 năm của cố nghệ sĩ Bá Sách để lại. Chơi đàn dân tộc không phải là một nghề mang lại sự giàu có nhưng với anh đó là niềm đàm mê từ khi còn là đứa trẻ. Ðến nay đã 32 năm trong nghề, bằng lối chơi đầy sáng tạo qua mỗi lần biểu diễn, anh đã khiến người nghe say mê. Anh cho biết "năm 1994, tôi được mời đến nước Anh biểu diễn cho nữ hoàng Elizebeth tại Nhà hát Hoàng Gia. Buổi biểu diễn rất thành công. Sau đó tôi được mời ở lại định cư tại đất nước này. Nhưng tôi không thể rời bỏ được tổ quốc và gia đình ruột thịt của mình. Ðến năm 1995, một lần nữa, nữ hoàng Anh lại mời tôi sang biểu diễn. Ðây thật là một vinh dự lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Không chỉ có mình tôi, đến nay chúng ta đã có rất nhiều tài năng trẻ chơi đàn Bầu đang được cả nước và thế giới biết đến như Hoàng Tú, Huỳnh Tú..."

Phải chăng vì sự độc đáo có một không hai của cây đàn Bầu mà mỗi khi nhắc đến VN, nhiều khách nước ngoài đã xem cây đàn Bầu như một biểu tượng của VN "Ðất nước đàn Bầu", "Quê hương đàn Bầu". Nhà thơ nữ người Pháp MeRay đã thốt lên: "Cây đàn Bầu thật giống với con người Việt Nam. Nghèo của cải mà giàu lòng nhân ái, giản dị mà thanh cao, đơn sơ mà phong phú".

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 3
Cây đàn bầu Việt Nam “lưu lạc” 108 năm tại Mỹ
Thứ ba, 29/01/2008, 00:02 (GMT+7)

“Âm điệu đàn bầu Việt Nam là tiếng nói thâm trầm của con người Việt Nam, nhẹ mà sâu. Nó chuyên chở hồn dân tộc qua nhiều thăng trầm lịch sử, chia sẻ mọi đắng cay trong cuộc sống với niềm tin vươn lên. Con người Việt rất gắn bó với âm nhạc, lạc quan trong nghiên cứu và sáng tạo” (nhận xét của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong - Viện Âm nhạc Việt Nam tại Mỹ).

Đầu năm 2008, một câu chuyện thú vị về cây đàn bầu Việt Nam với tuổi đời dài nhất tại nước Mỹ vừa được GS-TS Nguyễn Thuyết Phong (Viện Âm nhạc Việt Nam tại Mỹ) công bố trong một buổi thuyết trình mang tên “The soul and sounds of the Vietnamese monochord”(Hồn dân tộc và âm thanh đàn bầu Việt Nam), tổ chức tại Bảo tàng nhạc cụ thế giới Stearns của Đại học Michigan, Mỹ.

Là người nghiên cứu sâu về Dân tộc nhạc học, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong sau khi xem xét, thẩm định đã công bố sự phát hiện về “lai lịch” cây đàn bầu trong bộ sưu tập Stearns. Ông bày tỏ cảm xúc: “Đây là một trong những báu vật của Việt Nam lưu lạc 108 năm qua và được lưu giữ và bảo trì ở nước ngoài mà từ lâu nhiều người, trong đó có tôi, chưa hề hay biết! Tôi hết sức xúc động khi nhìn thấy nhạc cụ này, ngỡ rằng mình đang được tiếp cận với cha ông”.

Cây đàn bầu Việt Nam có mặt trong bộ sưu tập Stearns đến từ đâu? Theo sự nghiên cứu của GS-TS Nguyễn Thuyết Phong, câu chuyện bắt đầu từ nhà doanh nghiệp Frederick Stearns sống ở thành phố Detroit, Mỹ. Ông Stearns có niềm đam mê sưu tầm nhạc cụ và nhờ có cơ hội đi nhiều nơi, bộ sưu tập nhạc cụ thế giới của ông ngày càng nhiều. Khoảng năm 1914-1917, ông đã cống hiến toàn bộ 940 nhạc cụ trong bộ sưu tập của mình cho Đại học Michigan.

Từ đó bộ sưu tập được mang tên ông (hiện nay, nhờ sự đóng góp, hiến tặng tiếp tục của nhiều người, bộ sưu tập của bảo tàng đã gia tăng, có khoảng 2.500 nhạc cụ). Lần theo dấu vết thời gian và căn cứ những sự việc đã được thẩm định, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong mô tả vào khoảng năm 1900, nhân tham dự Hội chợ triển lãm toàn cầu ở Paris, Pháp, ông Stearns đã mua toàn bộ nhạc cụ Việt Nam mang về nước Mỹ.

Kể từ đó, cây đàn bầu Việt Nam đã nằm ở bảo tàng trong số 20 nhạc cụ sưu tập ở Paris nhưng chẳng ai biết lai lịch, vì các nhạc cụ này được xếp vào hạng mục Cambodian Collection (Sưu tập Campuchia).

Để minh chứng thêm “nhân thân” cây đàn bầu Việt Nam và giá trị của nó, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong trong phần lý giải đã so sánh, đối chiếu với các loại đàn một dây (monochord) trải rộng trên khắp thế giới mà ông từng tiếp cận từ sự hiện diện của loại đàn thánh Siva được chạm khắc ở khu tháp cổ, di sản văn hóa Mỹ Sơn, Quảng Nam, Việt Nam đến cây đàn một dây thời đại Pythagore, Hy Lạp.

Tại buổi thuyết trình, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đã biểu diễn hơn chục kỹ thuật đánh đàn với mục đích khẳng định và làm sáng tỏ giá trị văn hóa, âm nhạc của cây đàn bầu Việt Nam. Từ một sợi dây đơn giản, nhưng khi ngân lên, đàn bầu đã phản ánh tính vật lý học mà người Việt Nam thể hiện về bội âm (harmonics), có thể nhân lên gấp bội số lượng những âm bậc (pitches) và giai điệu (melodies) độc đáo mà không có bất cứ cây đàn một dây nào trên thế giới có thể sánh được.

Qua câu chuyện thuyết trình và đề xuất cùng Ban Giám đốc Bảo tàng nhạc cụ thế giới Stearns, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong mong muốn cây đàn bầu và nhiều nhạc cụ quý báu khác của Việt Nam từ bộ sưu tập bảo tàng sẽ được trưng bày giới thiệu rộng rãi đến công chúng quốc tế tham quan.

Theo sau sự phát hiện “cây đàn bầu Việt Nam lưu lạc ở nước Mỹ 108 năm”, GS-TS Nguyễn Thuyết Phong đang tự nguyện tiếp tục khảo sát các nhạc cụ còn lại trong bộ sưu tập và ông cho biết sẽ công bố kết quả trong thời gian không xa.

Yên Ngọc

Top 50 Contributor
cầm sư cấp 3

 Đàn bầu ( theo Tài liệu của Võ Thanh Tùng)

Giới thiệu sơ lược: Đàn Bầu (còn gọi là Ðàn Ðộc huyền) là loại đàn một dây của dân tộc Việt và một số dân tộc khác như Mường (Tàn Máng), dân tộc Chăm (Rabap Katoh), theo sách Ðại Nam Thực Lực Tiền Biên, trang 236, quyển 11 của Nhà xuất bản Sử học- Hà Nội 1962- Ðàn Bầu được chế tạo năm 1770.

Xếp loại: Đàn Bầu là nhạc khí dây gảy loại không có dọc (cần đàn), do người Việt Nam sáng tạo ra. Ðàn Bầu là nhạc khí phổ biến tại Việt Nam.

Hình thức cấu tạo:   Có hai loại Ðàn Xẩm và Ðàn Bầu chuyên nghiệp, theo GSTS.Tô Ngọc Thanh. Ðàn Xẩm là loại đàn chỉ gồm một nửa ống tre bổ dọc, một cọc nắn âm và không có bầu, đánh bồi âm(không đánh thực âm). Ðàn Bầu chuyên nghiệp được cấu tạo như sau:

Thân đàn:Ðàn Bầu hình hộp dài, đầu đàn hơi cao và thuôn hẹp hơn cuối đàn. Mặt đàn bằng gỗ hơi phồng lên, chung quanh thành đàn làm bằng gỗ cứng. Ðáy kín nhưng có khoét lỗ vuông ở cuối đàn, dùng để mắc dây và thoát âm.

Vòi đàn(cần đàn): Phía đầu đàn có một cọc tre cắm từ mặt đàn xuống đáy gọi là vòi đàn. Ðầu vòi đàn nhỏ dần và uốn cong tròn về phía trái ngoài đầu đàn. Có người vót sừng trâu làm vòi đàn. Trước khi cắm vòi đàn vào mặt đàn, người ta cho nó xuyên ngang qua bầu cộng hưởng.

Bầu cộng hưởng: Ðàn Bầu là một vỏ cứng của quả bầu, có nơi thay bằng gáo dừa và ngày nay bầu cộng hưởng được làm bằng gỗ. Một sợi dây có độ đàn hồi tốt căng từ đầu của hộp đàn kéo dài tới cần (vòi) đàn chỗ cắm qua vỏ bầu cộng hưởng. Từ nơi mắc dây đến vòi đàn tạo góc 30o. Như vậy là đầu dây mắc chéo xuống chứ không song song với thân đàn như một số nhạc cụ, đặc biệt đàn chỉ duy nhất một dây và không có các phím. Ðàn Bầu điện có gắn thêm một bộ phận cảm âm điện tử, nối liền với bộ phận khuyếch đại của máy tăng âm và loa

Dây đàn: Dây kim khí mắc từ trục lên dây, chui qua một lỗ nhỏ ở cuối mặt đàn, kéo chếch lên buộc vào vòi đàn, chỗ miệng loe của bầu cộng hưởng.

Bộ phận lên dây: Một trục gỗ xuyên ngang hai bên thành đàn (ở phía cuối thân đàn) gắn một bộ phận lên dây bằng kim loại để mắc dây và lên dây. Bộ phận lên dây được cải tiến để dây không bị chùng xuống.

Que gảy đàn: Là một cái que nhỏ, ngắn và nhỏ hơn chiếc đũa, đầu vót nhọn hoặc hơi tròn tùy yêu cầu biểu diễn. Que gảy đàn trước đây làm bằng tre, nay làm bằng cây Giang (họ tre mây). Nếu que gảy cứng quá hay bị vấp, còn mềm quá thì dễ gãy. Que gảy ngắn: tiếng mềm mại, trữ tình khi Tremolo ở một bậc cao hay trên cùng một phím thì tiếng đàn nét rõ hơn. Que gảy dài: tiếng thô nhưng khỏe và chắc, đầy đặn.

Bộ phận khuyếch đại: Bầu cộng hưởng sau này của Ðàn Bầu được thay thế bằng gỗ chứ không bằng ống bương và vỏ quả bầu khô như trước. Một bộ phận cảm âm điện tử (Bobine électronique) được đặt trong đàn, gần chỗ mắc bộ phận lên dây, từ bộ phận cảm âm này sau đó được nối liền vào bộ phận khuyếch đại âm thanh điện tử (máy tăng âm và loa) để phát ra tiếng Ðàn Bầu.

Các điểm nút trên đàn Bầu:     Ðàn Bầu không có phím nên điểm nút được coi như cung phím của Ðàn Bầu. Chiều dài của dây đàn là đoạn AB, điểm O ở chính giữa. Nếu lên dây đàn theo giọng Ðô thì khi gảy và chạm tay vào điểm O này (điểm nút) âm thanh phát ra sẽ là âm Ðôlần lượt từ O đến A ta có:

* Ðiểm nút 1 (AB/3) âm bội là Sol 1

* Ðiểm nút 2 (AB/4) âm bội là Ðô 2

       * Ðiểm nút 3 và 3' (AB/5) âm bội là Mi 2

* Ðiểm nút 4 (AB/6) âm bội là Sol2

* Ðiểm nút 5 (AB/7) âm bội là Sib2

* Ðiểm nút 6 (AB/8) âm bội là Ðô3

Có thể đánh vào điểm nút 7 (AB/9) có âm bội Rê, điểm nút 8 (AB/10) để có âm bội Mi.....Nhưng không cần thiết vì đánh vào những nút đó, tay dễ bị vướng vào loa bầu, nghệ nhân có thể đánh vào điểm nút 6 rồi uốn căng vòi đàn để đạt những âm cao hơn âm bội ở điểm nút 6. Từ O đến B cũng có các điểm nút lần lượt đối xứng với các điểm nút từ O đến A nhưng ít khi dùng tới.

Tầm âm: Ðàn Bầu rộng 5 quãng tám từ La-2 đến Sol3 (a-2 đến g3),  sử dụng âm bồi nên màu âm của Ðàn Bầu ngọt ngào, quyến rũ. Âm lượng của Ðàn bầu nhỏ để phục vụ được nhiều người, người ta đã khuyếch đại âm thanh bằng cách điện tử hóa và đã đạt được thành công là âm thanh Ðàn Bầu vang to mà vẫn giữ được màu âm độc đáo.

Tính chất âm thanh và hệ thống định âm của Ðàn Bầu: Cùng trên cây Ðàn Bầu, không phải chỉ có một lối phát âm như các nhạc cụ khác mà có 2 lối phát âm đó là: thực âm và bội âm như sau:

Phương pháp cấu tạo âm thanh đã có ngay từ đầu khi sáng chế ra cây đàn, khi vòi đàn ở vị trí tự nhiên, tay phải ta gảy que chạm vào dây ở bất cứ điểm nào trên dây, âm thanh được phát ra chính là âm thanh mà ta đã định ban đầu khi mắc dây và lên dây. Sau đó cũng như vậy ta thay đổi các vị trí của vòi đàn, nắn vòi rồi gảy dây tại bất kỳ điểm nào thì ta lại được các cao độ khác nhau tương ứng với vị trí của vòi đàn (hay độ căng giãn của dây đàn). Như vậy cao độ của âm thanh chỉ thay đổi khi thay đổi vị trí vòi đàn và vị trí gảy dây đàn mà không hề ảnh hưởng tới âm thanh phát ra, phương pháp cấu tạo âm thanh thực âm không tận dụng được các vị trí khác nhau trên dây đàn để tạo ra các cao độ khác nhau nên có phương pháp tạo âm thanh là bồi âm.

Bồi âm: Người biểu diễn dùng tay mặt tì nhẹ vào một điểm quy định nào đó (những điểm nút của dây) rồi gảy nhẹ vào dây, khi dây phát ra âm thanh thì tay phải kịp thời nhấc lên, âm thanh phát ra là bồi âm. Cứ lần lượt như vậy nghệ sĩ biểu diễn sẽ gảy các vị trí quy định khác nhau trên dây và được các cao độ khác nhau theo quy luật nhất định của luật âm thanh là bồi âm, và tiếp tục sử dụng tay trái thay đổi vị trí của vòi (cần đàn) ta được cả một hệ thống âm thanh đó là âm vực của Ðàn Bầu.

Âm bồi thứ hai : Các nghệ nhân đã tạo ra âm bội thứ hai mà không gảy đàn thêm cũng không uốn vòi đàn. Gảy vào một điểm nút nào đó, âm thanh phát ra, khi tiếng đàn còn ngân nghệ nhân dùng cạnh bàn tay đưa nhanh chạm nhẹ vào điểm nút khác để có được âm dự định rồi nhấc tay ra ngay. Màu âm của tiếng đàn thứ hai này trong sáng, bay nhưng hơi mảnh, gây cảm giác bâng khuâng, xa xôi.

Cách ghi âm bồi thứ hai : Trước hết ghi nốt nhạc phải gảy với độ ngân quy định, tiếp theo dùng dấu luyến bắt sang một nốt khác, nốt này là âm bội thứ hai (cũng cần ghi theo độ ngân quy định). Trên đầu nốt nhạc có một dấu tròn nhỏ.

Kỹ thuật diễn tấu:

Ngồi: đàn được đặt trên giá cao ngang tầm tay, người đàn ngồi trên ghế.

Ðứng: đàn được đặt trên giá cao và nghệ nhân đàn với tư thế đứng

Kỹ thuật tay phải:Tay phải hơi khum lại, ngón trỏ và ngón cái khép lại và kẹp một chiếc que gảy. Khi gảy bàn tay mở ngược lên, lòng tay hướng lên trên, cạnh bàn tay tì nhẹ lên dây đàn đúng vào vị trí các phím đàn. Sau khi gảy dây: bằng sự va chạm giữa dây đàn và que gảy sẽ tạo nên một âm thanh, ngay khi đó bàn tay phải nhanh chóng nhấc ngay lên. Vị trí nốt trên Ðàn Bầu có thể được đánh dấu nhưng vì dây đàn được mắc cao hơn thân đàn và chéo góc nên độ chính xác không bằng các đàn có ngăn phím hẳn hoi. Như vậy người nghệ sĩ Ðàn Bầu phải kết hợp cả mắt và tai nghe nữa, nhất là khi diễn tấu tác phẩm có tốc độ nhanh thì nhất thiết phải có sự kết hợp hài hòa và chính xác. Một điều nữa tay phải còn phải điều chỉnh độ mạnh, nhẹ, âm thanh cứng hay mềm (đó là sự điều tiết cường độ và sắc thái của tiếng đàn)

Gảy âm tự nhiên: Cách đàn không sử dụng âm bồi, nghệ nhân khi gảy vào dây (ở bất cứ điểm nào trên dây mà muốn cho âm thanh không bị rè, ta nên gảy sát về phía quả Bầu) đồng thời tay trái uốn cong vòi đàn (động tác nhanh, dứt khoát, chính xác tiếng đàn mới đẹp, tránh âm thanh kêu nhõng nhẽo) để có âm thanh như ý muốn

Ngón vê: Là kỹ thuật gảy hai chiều (hất lên và gảy xuống) bằng que gảy, thường thực hiện ở những âm ngân dài, Vê diễn tả tình cảm vui tươi, phấn khởi.

Kỹ thuật tay trái: Tất cả kỹ xảo của bàn tay trái chủ yếu dồn vào sử dụng sao cho thật khéo léo và nhuần nhuyễn chiếc cần đàn (vòi đàn), tay trái định âm bằng kỹ thuật sử dụng vòi đàn (cần đàn) làm cho dây đàn chùng xuống hay căng lên theo ý muốn.

Ngón luyến: Khi gảy xong một tiếng đàn, không gảy thêm mà dùng bàn tay trái kéo vòi đàn (cần đàn) lên hoặc xuống tạo ra các nốt khác nhau gọi là luyến.

Ngón nhấn: Khi gảy một tiếng đàn, đồng thời cùng một lúc dùng bàn tay trái chủ yếu là ngón tay cái và ngón trỏ ép sao cho cần đàn từ vị trí bình thường đổ ra (nhấn ra theo hướng tay trái) với mục đích làm căng dây đàn tới mức độ nhất định để tạo ra các âm cao độ khác theo ý muốn hoặc không có ở phím đàn trên dây. Ngón nhấn sử dụng trên đàn để định âm các quãng 2 thứ, quãng 2 Trưởng, quãng 3 Trưởng, quãng 3 thứ, quãng 4 đúng so với nốt cố định của điểm đàn (khi nhấn ra chỉ đến quãng 4).

Ngón chùng:(nhấn vào) ngược lại ngón nhấn là ngón chùng, là khi gảy xong một tiếng đàn, dùng bàn tay trái, chủ yếu là lực ngón trỏ và các ngón khác uốn vòi (cần đàn) nhấn vào theo hướng tay mặt cho dây chùng lại với mục đích tạo những âm có cao độ thấp hơn âm vừa gảy mà không thực hiện bằng điểm nút. Ví dụ gảy âm Sol1 ở điểm nút 1 rồi muốn có âm thấp hơn là Fa1, Mi1, Rê1 : nghệ nhân uốn vòi đàn cho chùng dây xuống để các âm đó vang lên. Ðây là điểm độc đáo nhất chỉ có ở Ðàn Bầu và Ðàn Ðáy là có thể tạo ra được các âm có cao độ thấp hơn so với âm trên phím đàn tạo ra, ngay các nhạc cụ cổ điển và hiện đại quốc tế cũng ít có trường hợp này. Nghệ nhân có thể đánh ngón chùng xuống 3. 4 cung. Ngón chùng sử dụng trên các Ðàn Bầu có vòi đàn và dây đàn có sức đàn hồi tốt, có thể đánh được từ quãng 8 trở lại, nhưng đa số là chùng xuống quãng 5 so với nốt trên phím.

Ngón rung:Là khi tay phải gảy dây, các ngón tay trái rung nhẹ với vòi đàn, làm âm thanh phát ra như làn sóng cao thấp hơn âm chính một chút không đáng kể. Kỹ thuật ngón rung là sử dụng cả ngón nhấn và chùng trên vòi (cần đàn) với tốc độ rất nhanh (có thể tạo hiệu quả tương đối giống như "vibrato" của các nhạc cụ dây khác). Rung làm tiếng đàn ấm áp, mềm mại, đầy đặn và tùy loại rung mà tạo ra phong cách diễn tấu các Hơi Bắc, Hơi Nam...Ngón rung thường chỉ nhấn và chùng quãng 2 (ít khi quãng 3) so với nốt chính được tạo ra ở trên phím đàn (nốt chính phải có độ ngân tương đối dài).

Ngón giật: Sau khi gảy một âm, sử dụng kỹ thuật nhấn nhanh làm âm thanh thứ hai phát ra đột ngột, gây ấn tượng khẩn trương, sửng sốt, thường giật từ âm thấp lên âm cao.

Ngón vỗ: Còn gọi là đập, dùng ngón tay trái đập nhẹ, nhanh và dứt khoát vào vòi đàn làm âm thanh phát ra đứt đoạn nghe như những tiếng nấc, có thể vỗ vào 3 lần trên một âm, thường là những âm ngân dài để diễn tả tình cảm đau khổ, uất ức, nghẹn ngào. Ngón vỗ chỉ sử dụng âm thanh ở điểm nút O, như vậy ngón tay mới rảnh để vỗ.

Vị trí Ðàn Bầu trong các Dàn nhạc: Người Việt thường sử dụng Ðàn Bầu để độc tấu, đệm cho ngâm thơ, tham gia trong Ban nhạc Tài Tử, Ban nhạc Xẩm. Gần đây Ðàn Bầu tham gia trong Dàn nhạc Dân tộc Tổng hợp, Dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc, Dàn nhạc Sân khấu Chèo, Cải Lương. Ðặc biệt đã có những tác phẩm viết cho Ðàn Bầu độc tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng.

Châu Á cũng có nhiều nhạc khí khác cùng một dây như Nhật Bản có đàn một dây gọi là Ichigenkin khi đánh dùng bloc chặn trên dây tạo âm cao thấp. Trung QuốcÐàn Ixian qin (Nhất huyền cầm) một dây dùng ngón của tay trái nhấn lên dây, ở Ấn ÐộÐàn Gopiyantra và ở CampuchiaÐàn Sadev. Tất cả các nhạc khí trên đều dùng thực âm, riêng Ðàn Bầu Việt Nam chuyên dùng bồi âm. Ðàn Bầu chỉ một dây mà phải gảy ngay nút giao động để tạo ra bồi âm rồi nhờ vòi (cần đàn) mà làm cho độ cao của bồi âm thay đổi. Khác hẳn Ixian qin (Nhất huyền cầm) của Trung Quốc hay Ichigenkin của Nhật, cũng một dây như Ðàn Bầu mà cách đàn khác, tay trái nhấn lên dây, làm cho khúc dây giao động ngắn dài để tạo ra giọng cao thấp của tiếng đàn, khác với Ðàn Sadew của Campuchia cũng một dây mà không dùng bồi âm.

Not Ranked
Female
tiểu cầm thủ

cảm ơn anh. Bài hay quá. Em đang tìm cách tự hoc đàn bầu,tìm tài liệu ttrên mạng vì bên này ko có trường dậy. Nhưng kiến thức về âm nhạc của em rất hạn chế, Làm sao để tự học thành công hả anh. Cảm ơn anh nhiều lắm ạ.

Alice

happy lifeSmile

Page 1 of 1 (5 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems