Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Võ Vân Ánh đưa đàn tranh vào “thời đại mới”

rated by 0 users
This post has 4 Replies | 0 Followers

Top 500 Contributor
tiểu cầm thủ
Tiểu Kim Ô Posted: 11-06-2010 5:00
 
Võ Vân Ánh bắt đầu có thương hiệu quốc tế từ khi sáng tác và chơi nhạc cho bộ phim đoạt giải đặc biệt tại LHP Sundance 2002 và đề cử Oscar 2003: Người con gái Đà Nẵng- bộ phim nửa truyện nửa tài liệu kể về hoàn cảnh éo le của người mẹ Việt và đứa con lai.

Hiện Vân Ánh là người chơi đàn tranh có chỗ đứng ở Mỹ. Mới đây, chị về Việt Nam tìm gặp Đỗ Bảo để cùng làm một bước đột phá: lần đầu tiên đàn tranh Việt chơi nhạc new age (nguyên nghĩa là “thời đại mới”).

Năm 1995, Vân Ánh có mặt trong đoàn múa rối nước Thăng Long sang Mỹ trình diễn. Trong số tình nguyện viên của tổ chức VNHELP (Vietnam Health, Education & Literature Projects) đến giúp đỡ đoàn có Huỳnh Lương, tên Mỹ là Steven – vừa tốt nghiệp loại ưu khoa Điện tử ĐH UC Berkeley.

“Bởi tôi là người trẻ nhất đoàn và cũng gần như là người con gái Hà Nội đầu tiên chính thức đặt chân lên đất Mỹ sau 20 năm cấm vận nên cũng có nhiều người để ý”, Vân Ánh cười. “Nhiều đến mức trưởng đoàn sợ tôi sẽ ở lại hoặc bị ai dụ dỗ!”.

Nhưng Steven thì vẫn làm ngơ. Cho đến một lần, sau một buổi diễn muộn, Vân Ánh được giao đi mua đồ ăn cùng Steven. Steven tâm sự, việc quan trọng nhất của anh lúc đó là đi làm để mua cho bố mẹ căn nhà riêng… Sau buổi đó, họ nhận nhau là anh em.

Từ đó, chuyện gì hai anh em cũng chia sẻ và hỏi ý kiến nhau, kể cả chuyện em có bạn trai và anh có bạn gái… Steven thường xuyên tặng Vân Ánh sách và đĩa nhạc - nhất là nhạc new age: Enya, Kitaro, Sarah Brightman, Loreena McKennit …

Sau khi thực hiện xong mục tiêu mua nhà cho bố mẹ, năm 2000, Steven về thăm Việt Nam. Sau 1 tuần gặp lại nhau, họ quyết định… làm đám cưới! “Điều này thật quá nhanh cho tôi vì trong suốt 5 năm trời, anh Steven không hề ngỏ ý gì, cũng như tôi không hề nghĩ đến việc sẽ kết hôn với anh kết nghĩa của mình.

Nhưng sau một buổi trò chuyện dài, cuối cùng cả hai người điều thú nhận là đã dành cho nhau một tình cảm rất đặc biệt từ ngày gặp ở San Francisco”

Trong thời gian chờ visa đi Mỹ, Vân Ánh và nhóm nhạc Đồng Nội của chị cũng kịp làm một CD đàn tranh “kỷ niệm”. "Vốn đang được nhiều người biết đến, lại có một cuộc sống với cường độ làm việc cao, tôi tương đối hụt hẫng về tinh thần trong thời gian này.

Như cảm thấy được tâm trạng của tôi, Steven càng ủng hộ tôi nhiệt tình và chu đáo hơn. Anh đã bỏ mấy tháng trời đi cùng tôi tới các phòng thu trong Nam ngoài Bắc để hoàn thành đĩa nhạc. Tôi cứ lo anh sẽ bị cản trở trong công việc, nhưng ngược lại, về Mỹ, anh lại được công ty thăng cấp”, Vân Ánh cười.

Bây giờ họ đã có 2 nhóc. Steven là CEO của một công ty điện tử có cỡ. Quá bận rộn, nên anh “giao” cho vợ thay chồng làm từ thiện. Vân Ánh thường tham gia vào những buổi trình diễn gây quỹ học bổng cho các em nhỏ (Mỹ cũng như Việt Nam), gây quỹ cho người tàn tật do VNHelp tổ chức.

Buổi biểu diễn năm 2006 với sự tham gia của chị đã thu về 150.000 USD, và hơn 1.000 xe lăn đã được gửi cho người tàn tật Việt Nam. “Tôi tham gia trình diễn gây quỹ, là để trả lại cho cộng đồng cái mình hơn người khác, qua đó cũng quảng bá nhạc Việt Nam”, Vân Ánh nói. Chị thường xuyên trình diễn nhạc Việt Nam ở các thư viện, trường học.

Sau một thời gian làm việc cùng các nghệ sĩ ở Mỹ, Vân Ánh nhận thấy khả năng chơi jazz và new age của cây đàn Việt Nam. Cách chơi nhạc của Vân Ánh và nhóm trống taiko (Nhật Bản) Somei Yoshino mang nhiều tính ngẫu hứng- có nhiều điểm chung với lối chơi của nghệ nhân cổ nhạc Việt Nam.

Vân Ánh chia sẻ: “Tôi và các thành viên trong nhóm thảo luận với nhau về cấu trúc bản nhạc, hình ảnh mà mình muốn đưa tới khán giả… rồi nổi trống, nổi nhạc. Chúng tôi chơi đi chơi lại một cách tự phát để tìm được cái mà mình muốn. Cũng có nhiều khi, các ban nhạc mà tôi kết hợp nói cho tôi ý nghĩa, hình ảnh của bản nhạc, rồi tôi tự tìm cách dùng ngôn ngữ nhạc dân tộc Việt Nam để đi vào bản nhạc đó”.

Với phong cách world music và new age, Vân Ánh đem lại không ít bất ngờ cho người nghe. “Thưởng thức những buổi trình diễn của tôi, người Việt nói là hay và duyên dáng quá. Còn khán giả các nước thì tìm được màu sắc và âm hưởng quen thuộc của họ- nhưng lại qua âm thanh của cây đàn Việt Nam- nên thấy rất thú vị”.

“Sau nhiều năm lưu diễn và đặc biệt là sinh sống tại nước ngoài, tôi tin là một người chơi nhạc dân tộc phải giữ được cái hồn và ngón đàn dân tộc”, Vân Ánh nói. “Khi ở trong nước, ngoài Nhạc viện, tôi rất may mắn được học cùng một số nghệ nhân về cải lương và chèo. Con người ai cũng có gốc. Trong âm nhạc cũng thế. Phải có cái gốc, cái chất rồi anh mới xây dựng trên đó được”.

Lên 4 tuổi, Vân Ánh đã được bố- là một nhạc công ghi ta- hướng cho học cello. Nhưng chị thấy dáng ngồi chơi đàn tranh mới đẹp và chọn đàn tranh từ đó. Sau 24 năm chung thủy với cây đàn dân tộc, chị quyết đưa nó vào một “thời đại mới”.

Vân Ánh miêu tả đĩa nhạc new age- trong đó đàn tranh hòa cùng nhị, sáo, bầu, tam thập lục, t’rưng và piano với các sáng tác của Đỗ Bảo: “Là thứ âm nhạc không hạn chế người nghe, miễn ai quan tâm đến âm nhạc, tìm đến cái hay và vẻ đẹp của âm nhạc.

Hết sức màu sắc nhưng không màu sắc đến mức người nghe cảm thấy khó hiểu”. Lần này, Vân Ánh quyết làm âm nhạc sao cho: “Để cuối đời, quay lại mình thấy đã làm một cái gì đó không uổng phí thời gian đã sống”.

(Theo Tiền Phong)

Lấp lánh tơ vàng rung ánh nguyệt Dập dìu tay ngọc chuyển cung mây. (Nguyễn Hữu Ba )
Top 500 Contributor
tiểu cầm thủ

http://www.vananhvo.com/img/img_home.jpg

Kết hợp biểu diễn bên cạnh trình tấu, các tác phẩm Vó ngựa bụi đường, Cõi niết bàn (Đỗ Bảo) và The discours (Câu chuyện của tôi) đã hoàn toàn chinh phục khán giả.

Có thể sẽ thừa khi giới thiệu Võ Vân Ánh là một nghệ sĩ đàn tranh tài năng của Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia VN), người đã giành giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc năm 1995, sau Hải Phượng (1992) và trước Thanh Thủy (1998). Thế nhưng nếu không nhắc, công chúng có thể quên mất chị bởi từ năm 2001 chị đã theo chồng sang Hoa Kỳ định cư, để lại sự tiếc nuối trong lòng khán giả mộ điệu. Tuy vậy, những năm tháng nơi xứ người đã giúp chị có nhiều cơ hội hơn để quảng bá âm nhạc VN, giới thiệu với thế giới về cái chị gọi là “hồn nhạc Việt”.

Hai đĩa nhạc gồm Twelve months, four seasons (12 tháng, 4 mùa) và She’s not she đã đưa tên tuổi Vân Ánh lên một tầm mức khác. Tài năng của Ánh càng được khẳng định khi chị và Mark Izu giành giải thưởng Emmy (được xem là giải Oscar của phim truyền hình) năm 2009 cho phần nhạc bộ phim tài liệu Bolinao 52 và những giải thưởng quan trọng trong các liên hoan phim uy tín của Mỹ cho các phim Daughter from Da Nang (Người con gái Đà Nẵng), A village named Versailles (Ngôi làng tên Versailles).

Thế nhưng với Vân Ánh, những điều đó dường như còn chưa đủ để thỏa niềm đam mê dành cho cây đàn tranh. Những chuyến lưu diễn qua hơn 20 quốc gia đã giúp chị nhận ra sức mạnh cũng như hạn chế của đàn tranh khi hòa điệu cùng những nhạc cụ khác. Ánh bảo: “Đàn tranh VN là một nhạc cụ mạnh, có thể thể hiện đa dạng những sắc thái tình cảm của người Việt, nhưng nó cũng có hạn chế là rất hay bị lạc dây. Khi chơi chung với dàn nhạc rock chẳng hạn thì sau 1-2 bài là đã lạc dây mất rồi”. Nhược điểm này đã thôi thúc chị quay về VN tìm nghệ nhân đóng đàn Phùng Tân Tuyên nghiên cứu việc sửa cây đàn như mình muốn.

Đến với buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm để phát triển đàn tranh” sáng 30-10, Vân Ánh mang theo một cây đàn tặng CLB Tiếng hát quê hương. Cây đàn có vẻ ngoài không khác biệt gì mấy so với những sản phẩm đang bày bán trên thị trường, cũng không khác biệt về thanh âm. Những chỉnh sửa chỉ nằm trên độ cong của mặt đàn, chất liệu làm dây, vị trí con nhạn... Chị nói: “Giờ thì tôi đã có thể yên tâm mang đàn tranh ra chơi rock, jazz mà không lo về độ vững của đàn hay tình trạng lạc dây nữa”.

Xa quê hương, sau những buổi diễn Ánh vẫn dành thời gian đào tạo cho thiếu nhi con em các gia đình Việt kiều và cả người nước ngoài. Bằng cách đó chị hi vọng sẽ có nhiều hơn những người hiểu và yêu đàn tranh VN, để cây đàn có được vị thế xứng đáng trong số các nhạc cụ của thế giới. Hơn 80 em đăng ký học (con số mà NSƯT Phạm Thúy Hoan gọi là “mơ ước”) nhưng Vân Ánh chỉ có thể dạy cho 30 em vì không có nhiều thời gian. Điều quan trọng hơn, theo Vân Ánh: “Phải chọn được những em thật sự đam mê mới mong các em sống chết với cây đàn”.

Chuyến về nước lần này, nghệ sĩ Võ Vân Ánh lại bận rộn với đàn tranh. Sau buổi biểu diễn tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM, tối 31-10 Vân Ánh tiếp tục biểu diễn trong buổi sinh hoạt nghệ thuật tại tư gia GS Trần Văn Khê. Đêm 2-11, Vân Ánh sẽ có mặt tại Hà Nội để tham gia biểu diễn trong chương trình Là người con đất Việt - đêm nhạc hướng về miền Trung tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

 

Trao đổi với chúng tôi về giáo dục đàn tranh cho thiếu nhi, nghệ sĩ Vân Ánh nói:

- Là trẻ em phải được vui chơi trước đã. Tuy nhiên khi học thì các em phải được học đầy đủ. Tại sao là Lý cây đa mà không phải là cây me, cây ổi? Bởi vì cây đa đầu làng gắn liền với đời sống tinh thần của người VN. Hội hè cũng tập trung ở cây đa. Chia tay dưới bóng cây đa. Chú Cuội cũng ngồi dưới gốc đa... Khi hiểu được những điều đó, trẻ em sẽ thêm quý tác phẩm và quan trọng là hiểu hơn về văn hóa VN. Trò chuyện với các giảng viên đàn tranh, tôi cũng đề nghị họ nên mở rộng bài học theo hướng này, bởi trẻ em hôm nay sẽ khó mà yêu những bài bản cũ của cả trăm năm trước nếu không hiểu được cái nền văn hóa tạo sinh ra chúng.

* Ba tiết mục của chị trong đêm Hội ngộ đàn tranh mang nhiều màu sắc của world music. Chị không ngại bị phê bình là bỏ quên âm nhạc truyền thống tinh tuyền?

- Tôi theo hướng kết hợp âm nhạc, sẵn sàng mang đàn tranh phối hợp với rock, với jazz để thế giới biết đàn tranh, thích đàn tranh đã, rồi họ có thể tìm hiểu sâu hơn về đàn tranh, nhạc dân tộc VN. Như GS Trần Văn Khê đã nói: tất cả phải dựa trên cái nền dân tộc và phải phát xuất từ tâm hồn mình. Khi chơi đàn, tôi mang theo mình hồn nhạc Việt và mọi biến hóa đều trên tinh thần đó. Nếu không có hồn nhạc Việt, tâm hồn Việt thì cây đàn tranh sẽ trở nên lạc lõng. Đó không phải là mong muốn của tôi và chắc chắn cũng không phải mong muốn của những ai nặng lòng với nhạc dân tộc.

PHẠM THÀNH NHÂN

(Theo Tuổi Trẻ) 

Lấp lánh tơ vàng rung ánh nguyệt Dập dìu tay ngọc chuyển cung mây. (Nguyễn Hữu Ba )
Top 500 Contributor
tiểu cầm thủ

Mời các bạn nghe tiếng đàn của Nghệ Sĩ Vân Ánh với những mới mẻ và hiện đại trên cây đàn tranh truyền thống.

Cõi Niết Bàn 

[Youtube:77_IWFMoU90]

Ngựa Ô

[Youtube:YLp-qPSBMkg] 

Lý Qua cầu

[Youtube:ILm20tva3KE] 

Dance of Sun ray

[Youtube:VivLEKH4ULk ]

Sakura

[Youtube:zbbkxCb8y3Q] 

Lấp lánh tơ vàng rung ánh nguyệt Dập dìu tay ngọc chuyển cung mây. (Nguyễn Hữu Ba )
Not Ranked
tiểu cầm thủ

Cảm ơn Tiểu Kim Ô đã post bài phóng sự và các đoạn clip rất hay.

Hôm trước thật may mắn được nghe cô Vân Ánh trình diễn ở cung VH Lao động, tiếng đàn của cô quả là xuất sắc, để lại những ấn tượng thật khó quên.

Top 500 Contributor
tiểu cầm thủ

Post thêm bài Vó ngựa bụi đường của cô Vân Ánh, Các bạn thưởng thức nhe.

[Youtube:Ffp40vnHVtQ]

Lấp lánh tơ vàng rung ánh nguyệt Dập dìu tay ngọc chuyển cung mây. (Nguyễn Hữu Ba )
Page 1 of 1 (5 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems