Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Đàn bầu những điều có thể bạn chưa biết

rated by 0 users
This post has 5 Replies | 2 Followers

Not Ranked
tiểu cầm thủ
hoanglan Posted: 09-15-2009 4:22
nhạc cụ truyền thống Việt Nam

Âm nhạc Việt Nam có một truyền thống khá lâu đời.

Ngay từ thời cổ cư dân ở Việt Nam đã rất say mê âm nhạc. Đối với họ âm nhạc là một nhu cầu không thể thiếu. Bởi vậy trong quá trình phát triển lịch sử cư dân ở đây đã sáng tạo nên rất nhiều loại nhạc khí và thể loại ca nhạc để bộc lộ tâm tư tình cảm, để có thêm sự phấn chấn và sức mạnh trong lao động, trong chiến đấu, để giáo dục cho con cháu truyền thống của ông cha, đạo lý làm người, để giao tiếp với thế giới thần linh trong tâm tưởng và để bay lên với những ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai...

Trải qua bao biến thiên, ngày nay tại Việt Nam còn lưu giữ một kho nhạc khí đủ loại từ những dạng đơn sơ nhất cho tới những dạng có sự phát triển khá cao với những kỹ thuật diễn tấu tinh tế.

Tại đây ta có thể nghe những điệu hát ru, những bài đồng dao của trẻ nhỏ, những thể loại ca nhạc trong các nghi thức cúng lễ hoặc dùng trong việc giao tiếp giữa các thành viên cộng đồng, trong lao động, trong vui chơi giải trí với những thể hát đố, hát đối đáp thi tài của trai gái, những điệu hát khi chơi bài hoặc khi kể những áng trường ca, những câu ca tiếng đàn của những người hát rong, của các ban "tài tử" cùng những thể loại ca kịch truyền thống...

Âm nhạc cổ truyền Việt Nam phong phú bởi sự tích đọng những thể loại thuộc nhiều thời đại khác nhau và bởi cả tính đa sắc tộc. Cùng một thể loại ca nhạc song ở mỗi sắc tộc lại có phương thức biểu hiện, diễn tấu và âm điệu riêng. Điệu hát ru Việt khác ru Mường, ru Thái, ru Tây Nguyên... Có tộc dùng lời ca tiếng hát để đưa trẻ vào giấc ngủ. Có tộc lại ru con bằng tiếng đàn, tiếng sáo êm ái.

Xưa kia âm nhạc cổ truyền đã từng đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của người Việt Nam. Ngày nay nó vẫn giữ một vị trí đáng kể trong xã hội. Một số thể loại ca nhạc vẫn tồn tại trong cuộc sống dân dã. Một số khác đã bước lên sân khấu, tiếp tục làm đẹp cho đời và phát huy tác dụng trong cuộc sống mới.



Đàn bầu - nhạc cụ độc đáo của dân tộc


Trong kho tàng văn hoá âm nhạc dân tộc Việt Nam, đàn bầu được coi là nhạc cụ độc đáo
 và hấp dẫn nhất. Tiếng đàn du dương, trầm lắng khiến ai đã nghe một lần thì thật khó quên. Chẳng thế mà các cụ ngày xưa đã kín đáo nhắc nhủ: "Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu"

"Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha. Ngân nga em hát, tích tịch tình tang"

Dường như âm thanh mộc mạc, chân quê nhưng sâu lắng đến vô cùng của cây đàn bầu, hoà quện với tấm lòng của tác giả đã tạo nên những vần điệu chất chứa trong bài hát ru ấy. Điều gì đã kiến cho cây đàn bầu có sức quyến rũ độc đáo đến như vậy?

Có nhiều cách giải thích khác nhau về sự xuất hiện của cây đàn bầu trong kho tàng văn hoá dân gian. Chỉ từ trò chơi trống đất của trẻ em đồng bằng Bắc bộ là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã cho ra đời nhạc cụ mang tên đàn Bầu, được làm từ ống tre và quả bầu khô. Từ thời nhà Lý, đàn Bầu đã xuất hiện, nhưng thời ấy nhạc cụ này chỉ được dùng để đệm cho những người hát xẩm. Thời gian qua đi cây đàn dần được cải tiến, đàn được làm từ những chất liệu tốt hơn như gỗ, sừng. Ông Đỗ Văn Thước, một nghệ nhân làm đàn Bầu nói "cuộc sống và mọi sinh hoạt của nông dân Việt Nam đều bắt nguông từ cây tre: ống nước, ống cơm, rổ rá, đòn gánh, Bởi vậy, để bảo vệ bụi tre họ lấy dây rừng buộc quanh gốc tre, thấy âm thanh phát ra từ đó như những cuộc giao lưu tình cảm khiến người nông dân xưa nghĩ đến việc hạ tre thành cọc căng dây tơ cho âm thanh hay hơn, rồi sử dụng vỏ quả bầu dài làm hộp cộng hưởng". Song có lẽ tất cả cũng chỉ là những giả thuyết. Còn thực tế thì cây đàn bầu đã gắn bó với làng quê con người Việt Nam từ bao đời nay còn chưa ai biết.



Sách Đường thư của Trung Quốc, Nam Man truyện chép: "Dĩ bạch mộc vi chi, bất gia sức, tào hình trường như nhựt tự dạng, dụng trúc tác tào bính, xuyên dĩ không hồ, trương huyền vô chẩn, hửu thủ dĩ trúc, phiến bát huyền dĩ phát thanh, tả thủ nhấn trúc can nhi thành điệu." Nghĩa là: "Lấy gỗ nhẹ mà làm, không trau chuốc chi, thùng đàn dài hình chữ nhật, đầu chót cắm cán tre, xâu nửa quả bầu khô, giăng dây không phiếm, tay phải lấy que trúc nảy lên tiếng, tay trái nấng cần tre mà thành điệu." Qua đó cho thấy rằng vào thế kỷ thứ 7 đàn bầu đã xuất hiện ở Việt Nam.

Cái độc đáo ở đây là cây đàn cấu trúc rất đơn giản. Chỉ với một dây nhưng nó diễn tả được mọi cung bậc của âm thanh và tình cảm. Âm thanh cũng mang sức quyến rũ lạ kỳ, gần với âm điệu tiếng nói của người Việt, bởi vậy mà đàn Bầu trở thành nhạc cụ được mọi người ưa thích.

Đàn Bầu còn gọi là Độc Huyền Cầm. Đàn Bầu thuộc họ dây gẩy, chỉ có một dây, gảy bằng que hoặc miếng gảy. Đàn có hai loại là đàn thân tre và đàn hộp gỗ.
Đàn thân tre: là đàn của những người hát Xẩm. Thân đàn làm bằng 1 đoạn tre hoặc bương dài khoảng 120 cm, đường kính 12 cm. Mặt đàn là chỗ đã được lóc đi một phần cật thích hợp trên đoạn tre hoặc bương.
Đàn hộp gỗ: là loại đàn cải tiến sau này, dùng cho các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Đàn hộp gỗ có nhiều hình dáng, kích thước khác nhau. Về hình dáng và chất liệu của hộp cộng hưởng (tức Thân đàn) của hai loại đàn có khác nhau, nhưng về cấu tạo, hai đàn hoàn toàn giống nhau.

Thân đàn hình hộp dài, đầu nhỏ hơn cuối. Thành đàn làm bằng gỗ cứng. Đáy đàn và mặt đàn làm bằng gỗ nhẹ. Mặt đàn hơi uốn cong phồng lên. Đáy đàn có 2 lỗ thoát âm. Bầu đàn làm bằng nửa quả bầu khô cắt đáy hoặc bằng gỗ tiện theo hình bầu ở đầu đàn. Bầu đàn lồng vào giữa vòi đàn nơi buộc dây đàn. Bầu đàn có tác dụng tăng thêm âm lượng cho đàn. Ngày nay người ta tiện bầu đàn bằng gỗ và chỉ có tác dụng tạo dáng mà thôi.

Vòi đàn làm bằng tre hoặc bằng sừng cắm xuyên qua bầu đàn xuống thân đàn. Cuối đàn có 1 trục lên dây bằng gỗ hoặc bằng kim loại. Dây đàn được buộc vào vòi đàn, đi qua miệng loe của bầu đàn kéo chếch xuống cuối thân đàn. Thuở xưa dây đàn làm bằng tơ tằm se thành sợi, về sau thay bằng dây sắt. Que gẩy đàn làm bằng tre hoặc song vót nhọn.

Để có được cây đàn như ý, người làm đàn phải rất công phu trong việc chọn lựa chất liệu. Cây đàn phải hội đủ hai yếu tố "Mặt ngô thành trắc", có nghĩa là mặt đàn phải làm bằng gỗ cây ngô đồng sao cho vừa xốp vừa nhẹ, thớ gỗ óng ả, thẳng thì mới có độ vang. Khung và thành đàn làm bằng gỗ trắc hoặc gụ, vừa đẹp lại vừa bền. Cần rung, còn gọi là vòi đàn được làm từ sừng trâu. Bầu đàn được lấy từ quả bầu khô hoặc tiện bằng gỗ. Từ những chất liệu hết sức giản dị ấy gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Thước đã cho ra đời bao đứa con tinh thần này. Sinh trưởng trong gia đình ba đời đều làm nhạc cụ dân tộc, năm 1953 bác Thước đượ ông ngoại và cậu truyền cho nghề này. Đến nay khi đã nghỉ hưu, bác lại cùng vợ con chế tạo nên những chiếc đàn cao cấp chỉ dành riêng cho những nghệ sĩ chơi đàn trong các đoàn nghệ thuật. Cũng có nhiều ý kiến khác nhau trong vấn đề cấu tạo cây đàn. Người thì cho rằng nên kéo dài đàn ra để có được tiếng trầm hơn hoặc đổi đàn bầu thành hai dây (một cao, một thấp), hai cần và mở to thùng đàn ra, nhưng cuối cùng tất cả đều không phù hợp. Việc dùng vòi đàn để căng dây lên hoặc hạ chùng dây xuống đã tạo ra nhiều âm thanh và cao độ khác nhau. Cần đàn đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các sắc độ âm thanh khác nhau và làm cho tiếng đàn tròn, mượt. Mặt đàn với thới gỗ óng ả, khi kết hợp với hộp cộng hưởng sẽ tạo nên những âm thanh vang, trong. Đàn còn được trang trí nhiều hoa văn hoặc khảm trai với các hình ảnh miêu tả cảnh sinh hoạt phong phú của người dân Việt Nam. Ngày nay người ta thường có xu hướng thay thế đàn gỗ bằng đàn điện, kéo dài và làm mỏng thân đàn để tạo âm trường và tiếng vang hơn.


Đàn Bầu thể hiện một cách thành công những làn điệu dân ca khác nhau của từng vùng, từng miền của dân tộc. nó còn có thể diễn tấu rất hay những giai điệu của nước ngoài, từ nhạc dân gian đến nhạc nhẹ. Nghệ sĩ đàn Bầu Kim Thành cho biết, hiện anh còn giữ chiếc đàn bầu có tuổi thọ 70 năm của nghệ sĩ Bá Sách để lại. Chơi đàn dân tốc không phải là một nghề đem lại sự giàu có, nhưng với anh đó là niềm đam mê từ khi còn là đứa trẻ. Đến nay đã 32 năm trong nghề, bằng lối chơi đầy sáng tạo qua mỗi lần biểu diễ, anh đã khiến người nghe say mê. Anh cho biết "năm 1994, tôi được mời đến nước Anh biểu diễn cho nữ hoàng Elizabeth tại nhà hát Hoàng Gia. Buổi biểu diễn rất thành công. Sau đó tôi được mời ở lại định cư tại đất nước này. Nhưng tôi không thể rời bỏ được tổ quốc và gia đình ruột thịt của mình. Đến năm 1995 một lần nữa nữ hoàng Anh lại mời tôi sang biểu diễn. Đây thật là một vinh dự lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Không chỉ mình tôi, đến nay chúng ta đã có rất nhiều tài năng trẻ chơ đàn Bầu đang được cả nước và thế giới biết đến như Hoàng Tú, Huỳnh Tú..."

Người ta thường chỉnh đàn bầu theo dây buông có âm tự nhiên, nhưng có khi chỉnh theo từng bài bản. Nếu bài nhạc cung đô thì chỉnh dây buông tự nhiên là đô. Ngoài ra còn vài cách lên dây khác.

Cách khảy đàn đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt. Người diễn cầm que bằng tay phải, đặt que trong lòng bàn tay phải, đặt que trong lòng bàn tay làm sao để que hơi chếch so với chiều ngang dây đàn. Khi vừa khảy que vào dây cùng lúc cạnh bàn tay cầm que phải chạm nhẹ vào dây đàn ở điểm nhất định nào đó trên dây rồi nhấc tay ra ngay. Tiếng đàn ngân lên là âm bội, những điểm cạnh bàn tay chạm vào gọi là điểm nút, những nơi trên dây đàn được que khảy vào gọi là điểm khảy. Do đàn bầu không có phím nên những điểm nút được coi là cung phím của đàn bầu.

Tay trái cầm vòi đàn. Nếu dây Đàn Bầu ở thế dây buông thì gẩy ở bất cứ vị trí nào trên dây cũng đều phát ra một cao độ, đó là âm thực. Vì vậy trên mặt đàn nhạc công đánh dấu những điểm nút (hoặc những điểm gẩy). Khi chơi đàn nhạc công dùng cạnh bàn tay phải tì nhẹ vào những điểm nút trên dây và khi gảy xong thì nhấc tay lên ngay (nếu đánh dấu vào những điểm gẩy thì tay phải chặn ở khoảng cách phù hợp với điểm gẩy), dây đàn sẽ phát ra những âm thanh có cao độ khác nhau tùy theo vị trí của bàn tay chặn đúng những điểm nút khác nhau, những âm này là âm bội. Kết hợp với tay phải gẩy, tay trái cầm và điều khiển vòi đàn khiến dây đàn hồi khi cǎng, khi chùng để tạo ra những âm thanh cao hơn hay thấp hơn theo ý muốn. Đàn bầu có âm vực rộng tới 3 quãng tám, âm sắc đẹp vì là âm bội. Tiếng đàn có khi buồn bã, thiết tha, có khi ngọt ngào tình tự, diễn tốt tình cảm của con người. Âm thanh phát ra trong vòng 2 quãng tám nghe khá rõ ràng dù là âm bội. Nếu sử dụng âm thực với sự tác động kéo căng hay giảm dây của vòi đàn, âm vực của đàn bầu có thể vượt trên 3 quãng tám. Âm sắc của đàn bầu mượt mà, ngân nga, ngọt ngào gần với giọng nói người Việt.



Phải chăng vì sự độc đáo có một không hai của cây đàn Bầu mà mỗi khi nhắc đến Việt Nam, nhiều khác nước ngoài đã cây đàn bầu như một biểu tượng của Việt Nam "Đất nước đàn Bầu". "Quê hương đàn Bầu". Nhà thơ nữ người Pháp MeRay đã thốt lên: "Cây đàn Bầu thật giống với con người Việt Nam. Nghèo của cải mà giàu lòng nhân ái, giản dị mà thanh tao, đơn sơ mà phong phú".




*Cách cột dây đàn
Cột dây đàn bầu tương đối khó nên chúng ta xem qua cách cột dây một chút.
Que khảy đàn: Đây là một bộphận quan trọng dể khảy đàn bầu, Que thường được vót bằng tre, bằn giang, bằng thân dừa, gỗ mềm mại hơn, người ta hay làm bông boặc tưa đầu nhọn một chút. Ngày xưa hay dùng que dài khoảng 10cm, ngày nay với nhiều kỹ thuật diễn tấu nhanh nên người ta hay dùng que ngắn chừng 4-4,5 cm.
Các tư thế diễn tấu: Thông thường nhất là đàn bầu đặt trên một cái bàn nhỏ (thường là hộp đàn có lắp 4 chân rời, trên mặt giá có 2 chỗ chặn để khi kéo dây, đàn khôn gbị di chuyển theo). Khi ngồi khoanh chân trên chiếu để đàn thì đầu gối chân mặt phải tì vào cạnh mặt đàn nhằm giữ cho cây đàn khỏi bị xê dịch. Cũng có thể đứng đàn, nhưng không đẹp và cây đàn không được vững bằng cách ngồi.
Cách cầm que đàn: Que đàn được đặt trên 2 đốt ngón tay trỏ và giữa của bàn tay mặt, còn đốt thứ nhất của ngón cái thì giữ que đàn, đầu nhỏ của que thường nhô ra khoảng 1,5 cm. Hai ngón còn lại thì hơi cong theo ngón trỏ và giữa. Khi khảy dây ta đặt cạnh bàn tay vào điểm phát ra bội âm, hất nhẹ que đàn cùng llúc nhấc bàn tay lên, ta sẽ có được âm bội.
Cách xác định điểm trên đàn: Nếu gọi dây buông là nốt C thì nếu chia dây từ cần đàn đến ngựa đàn: 1/2 dây có nốt C1 cao hơn dây buông một quãng 8, 1/3 dây sẽ là nốt G1, 1/4 ta sẽ có nốt C2, 1/5 dây sẽ có E2, 1/6 dây sẽ có nốt G2, 1/7 dây sẽ là nốt Bb (nhưng nốt này ít được sử dụng), 1/8 sẽ có nốt C3
Tóm lại, sáu điểm trên đàn la C1 – G1 – C2 – E2 – G2 – C3 là 6 diểm thông dụng nhất. Ngoài ra ta có âm thực tức là khảy dây buông, thường khảy gần ngựa đàn chứ không khảy vào các điểm đã ghi.

Bây giờ, trên 7 âm thanh này, nếu vài kỹ thuật tay trái như căng dây hoặc chùng dây, ta sẽ tạo được rất nhiều âm thanh khác nữa.

*Cách đặt tay trái trên cần đàn
Ngón rung: Khi khảy dây, các ngón tay trái rung nhẹ cần đàn, âm thanh sẽ phát ra tự như làn sóng thì ta có ngón rung. Ngón rung rất quan trọng vì không những nó làm cho tiếng đàn mềm mại mà nó còn thể hiện phong cách của bản nhạc. Với các bài buồn, hoặc bài vui, ta phải rung theo những âm đã được qui định.
Ngón vỗ: Vỗ ngón cái, vỗ nón trỏ. Theo nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm thì ngón vỗ thường diễn tả tình cảm đau khổ, uát ức, nghẹn ngào.
Ngón vuốt: miết ngón tay vào cần đàn để cao độ trượt qua các âm và dừng lại ở âm qui định.
Ngón luyến: kéo thẳng cần lên hoặc xuống tới âm qui định
Ngón tạo tiếng chuông: Nón tạo âm bội trên âm bội có sẵn. v.v.



*Đàn bầu trong đời sống âm nhạc dân tộc
Có thể nói chưa có nhạc khí dân tộc nào của nước ta được thay đổi, cải biến nhiều như đàn bầu. Cần đàn thay vì bằng tre thì nay bằng sừng trâu để cho mềm dễ kéo hơn.
Bầu đàn thay vì bằng vỏ bầu khô, người ta dùng sừng trâu, hoặc thông dụng nhất là tiện bằng gỗ để có thể cẩn ốc được.
Que đàn: Ngày xưa que đàn dài khoảng 10cm, nay có que ngắn khoảng 4cm. Que thường được chuốt bằng tre, giang, nay có thêm bằng gỗ, bằng dừa, hoặc bằng sừng trâu, nhưng sừng trâu dở nhất vì nó quá trơn. Theo nhạc sĩ Bùi Lẫm, thì vào thập kỷ 60, nghệ sĩ Mạnh Thắng là người sáng chế ra lối que gẩy ngắn, ông cũng là người đã cải tiến đưa phần khuếch đại âm thanh vào đàn bầu, và ông cũng là người đầu tiên đưa đàn bầu đi trình diễn quốc tế, mang giải thưởng cao quí cho Việt Nam. Sau đó thì cũng với que gẩy ngắn này, nghệ sĩ ưu tú Đức Nhuận đã phát minh ra lối kỹ thuật vê trên 1 dây đánh bồi âm trên bồi âm.
Thân đàn: Ngày trước không dùng điện nên thân đàn to mặt đàn mỏng, khóa đàn bằng gỗ, ngày nay xử dụng mobine nên đàn thường nhỏ hơn, khóa đàn bằng sắt, gắn mobine trong đàn, khoét lỡ cắm dây zắc, và diểm táo bạo nhất mà không một nhạc khí nào dám làm, đó là cưa đôi đàn ra, xếp lại cho gọn, chừng nào đàn thì kéo thẳng ra.
Hộp đàn: Ngoài cái hộp thông thường dể đựng đàn, còn có loại hộp vừa để đựng đàn, vừa để làm cái bàn, rất tiện lợi và gọn gàng. Như chúng ta đã biết, đàn bầu luôn phải căng dây và chùng dây, vì vậy rất cần phải có 2 chỗ chặn 2 đầu cho đàn khỏi bị xê dịch.

Theo muanhaccu.com

Tag: nhạc dân tộc, nhac cu, đàn bầu, âm nhạc
Top 25 Contributor
cầm sư cấp 3

Bài viết rất hay, thanks bác đã sưu tầm.

Top 500 Contributor
trung cấp cầm thủ
thanks bác nhé ^^
Ti S2 Tam Thập Lục
Top 500 Contributor
trung cấp cầm thủ
thanks bác nhìu nhé ^^ bài hay phết
Ti S2 Tam Thập Lục
Not Ranked
Male
tiểu cầm thủ

Đã xóa vì dùng tiếng Việt không có dấu!

BQT Damsa.net

Top 150 Contributor
cầm sư cấp 1

dvstar:

Hi, Hoanglan!

Bai viet cua ban rat thu vi. Co dieu toi thac mac la trong bai nay ban viet rang dan bau co the len 3 quang 8 bang am thuc. Am thuc cua dan bau chi la 1 am, chi gay am thuc cua dan bau thi lam sao co the len duoc 3 quang 8. Neu noi la len 3 quang 8 bang am boi thi toi khong co y kien. Toi hoan toan khong biet gi ve dan bau. Chi thac mac ve khia canh ky thuat thoi. Rat mong duoc ban chi dan.

Vo Quang.

 

Thật sự là có 1 kỹ thuật để đánh 1 âm từ nốt trầm và đụng nhẹ tay 1 cái để nó lên quãng 8

Lúc nào rãnh tớ post clip hướng dẫn cho .

 

                                                                                   Mr.Boomba

Chuyên ngành 1 : Đàn Bầu Chuyên ngành 2 : Đàn Bà
Page 1 of 1 (6 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems