Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012. BQT.
“Tiếng đàn dìu dặt, khi khoan khi nhặt, đưa đến một không gian êm đềm…” – là lời nhận xét của Giáo sư Trần Văn Khê về Album “Độc tấu đàn tranh Thanh Thuỷ Vol.1”
Không gian êm đềm, khoan nhặt và ngón đàn tranh Thanh Thuỷ
Những ai yêu nhạc cổ truyền Việt Nam đều đã từng biết và được nghe tiếng đàn tranh của nghệ sĩ trẻ Nguyễn Thanh Thuỷ. Tiếng đàn của chị không chỉ vang lên ở các cuộc thi mang tính chất chuyên nghiệp hay ở các sân khấu lớn trong nước mà tiếng đàn của chị còn mang những làn điệu âm nhạc cổ truyền Việt Nam đến với nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Indonesia, Singgapore, Nga…
Xuất phát từ niềm đam mê và tình yêu đối với âm nhạc dân tộc, Nguyễn Thu Thuỷ đã chọn cho mình một con đường khó khăn để đi, nhưng con đường này giúp chị đến gần với những bản nhạc cổ gốc: đó là sưu tầm, bảo tồn và phát huy âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đây là một chọn lựa không hề dễ dàng! Bởi bất kỳ ai quan tâm đến nhạc cổ truyền đều biết, đặc tính của loại hình nghệ thuật phi vật thể này là không có hình dạng cụ thể, nhất là với âm thanh, nó được truyền đời này sang đời khác bằng cách truyền khẩu từ lớp lớp những nghệ nhân. Mà “những kho lưu giữ vốn cổ” quý báu này đang ngày càng “khuất núi”!
Biết chắc là khó còn phiên bản thật, nhưng với mong ước được đến gần với những bản nhạc cổ gốc, Ngyễn Thanh Thuỷ đã dày công bỏ ra mấy năm liền, đi khắp các vùng miền trong cả nước, tìm tòi, học hỏi các nghệ nhân hiếm hoi còn sót lại. Trong quá trình đó, chị cũng thu thập được một số những dị bản của các bài bản cổ. Từ đó, chị có được sự so sánh, học hỏi cách đàn ngẫu hứng từ các nghệ nhân.
Sau cả quá trình làm việc say mê, Nguyễn Thu Thuỷ đã cho ra mắt CD độc tấu Đàn Tranh thể loại nhạc cổ truyền đầu tiên tại Việt Nam mang tên: “Độc tấu đàn tranh Nguyễn Thanh Thuỷ Vol.1”.
CD này không chỉ là sự chắt lọc những kiến thức mà Nguyễn Thu Thuỷ đã dày công học hỏi được mà nó còn là sự mạnh dạn thể hiện những ý tưởng sáng tạo cá nhân của chị.
Nếu dòng nhạc cổ truyền với giai điệu ngũ cung rất gần gũi, quen thuộc với lớp lớp thế hệ cha ông chúng ta trước đây, chỉ xuất hiện trên sân khấu, phần lớn được hoà tấu với lời ca và diễn xuất của diễn viên, thì nay, Nguyễn Thu Thuỷ đã mạnh dạn đưa dòng nhạc này vào một không gian mới, hoàn toàn tồn tại trong những bản khí nhạc độc lập – đây là một việc mà từ trước tới nay chưa có ai từng làm!
Nếu những làn điệu chèo chèo cổ nổi tiếng như: Luyện năm cung, Hề Mồi, Nhịp đuổi, Tò Vò, Đường Trường tiếng đàn quen xuất hiện trong những trích đoạn hoặc vở chèo cổ trên sân khấu, thì bây giờ, sẽ được thể hiện trọn vẹn trong tiếng đàn tranh Thanh Thuỷ với vẻ bay bướm trong tiếng đàn và tinh tế trong cách biên soạn ngón đàn.
Còn những bản tài tử cải lương Nam Bộ như: Tứ Đại Oán, Đường Thái Tôn, Nam Ai, Dạ Cổ Hoài Lang, Trường Tương Tư – mà những nghệ sĩ ngoài bắc rất rụt rè khi thể hiện, bởi “không thuộc vùng miền” thì được Nguyễn Thanh Thuỷ thể hiện “rõ sở trường của nghệ sĩ” qua những ngón nhấn nhá điêu luyện, những “gân sang” mùi mẫn. Cũng dễ hiểu vì sao Thanh Thuỷ tự tin đưa “sở trường” của chị vào CD, vì hai lần (năm 1995 và 1998) chị đã đều đoạt giải: “Độc tấu nhạc cổ truyền hay nhất” mà một nửa là thể loại nhạc Nam Bộ. Và chị cũng được các thầy cô, những bậc nghệ nhân lão luyện phía nam khen ngợi ngón đàn của chị.
Giáo sư Trần Văn Khê (Thành viên danh dự hội đồng Quốc tế âm nhạc UNESCO, Viện sỹ thông tấn hàn lâm khoa học – văn chương - nghệ thuật châu Âu) đã nhận xét về đĩa nhạc: “tiếng đàn tranh uyển chuyển, dìu dặt, khi khoan, khi nhặt, đưa đến một không gian trong mát êm đềm, cảm giác như gặp luồng gió mát trong buổi trưa hè, nếm một chén trà thơm dưới ánh trăng vằng vặc”.
Có thể CD này không mang lại cảm giác phấn kích cho người nghe, nhưng nó mang lại sự thư thái và thanh thoát cho tâm hồn chúng ta. Và có lẽ, điều thú vị nhất sẽ dành cho những ai biết hát, thuộc, hoặc ít nhất đã từng yêu thích những làn điệu ngũ cung trên, bởi khi nghe tiếng đàn tranh của Thanh Thuỷ, người ta sẽ hiểu được sự chuyển đổi tài tình những nhấn nhá của giọng người, những nốt nhấn nhá (í a, í ời) lên trên tiếng đàn tranh một cách điệu nghệ.
• Thục Nhi