Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Đàn bầu

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 1 Follower

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Star [*] Posted: 01-04-2007 18:38

Giới thiệu sơ lược

Đàn Bầu (còn gọi là đàn Ðộc huyền) là loại đàn một dây của dân tộc Việt và một số dân tộc khác như Mường (Tàn Máng), dân tộc Chăm (Rabap Katoh), theo sách Ðại Nam Thực Lực Tiền Biên, trang 236, quyển 11 của Nhà xuất bản Sử học- Hà Nội 1962 Ðàn Bầu được chế tạo năm 1770.

Đàn bầu (monostring chordophone)

 

Đàn bầu


Xếp loại

Đàn Bầu là nhạc khí dây gảy loại không có dọc (cần đàn), do người Việt Nam sáng tạo ra. Ðàn Bầu là nhạc khí phổ biến tại Việt Nam.

Hình thức cấu tạo

Đàn xẩm

Có hai loại Ðàn Xẩm và Ðàn Bầu chuyên nghiệp, theo GSTS.Tô Ngọc Thanh. Ðàn Xẩm là loại đàn chỉ gồm một nửa ống tre bổ dọc, một cọc nắn âm và không có bầu, đánh bồi âm(không đánh thực âm). Ðàn Bầu chuyên nghiệp được cấu tạo như sau:

 

Đàn bầu chuyên nghiệp

- Thân đàn: Ðàn Bầu hình hộp dài, đầu đàn hơi cao và thuôn hẹp hơn cuối đàn. Mặt đàn bằng gỗ hơi phồng lên, chung quanh thành đàn làm bằng gỗ cứng. Ðáy kín nhưng có khoét lỗ vuông ở cuối đàn, dùng để mắc dây và thoát âm.

- Vòi đàn(cần đàn): Phía đầu đàn có một cọc tre cắm từ mặt đàn xuống đáy gọi là vòi đàn. Ðầu vòi đàn nhỏ dần và uốn cong tròn về phía trái ngoài đầu đàn. Có người vót sừng trâu làm vòi đàn. Trước khi cắm vòi đàn vào mặt đàn, người ta cho nó xuyên ngang qua bầu cộng hưởng.

- Bầu cộng hưởng : của Ðàn Bầu là một vỏ cứng của quả bầu, có nơi thay bằng gáo dừa và ngày nay bầu cộng hưởng được làm bằng gỗ. Một sợi dây có độ đàn hồi tốt căng từ đầu của hộp đàn kéo dài tới cần (vòi) đàn chỗ cắm qua vỏ bầu cộng hưởng. Từ nơi mắc dây đến vòi đàn tạo góc 30o. Như vậy là đầu dây mắc chéo xuống chứ không song song với thân đàn như một số nhạc cụ, đặc biệt đàn chỉ duy nhất một dây và không có các phím. Ðàn Bầu điện có gắn thêm một bộ phận cảm âm điện tử, nối liền với bộ phận khuyếch đại của máy tăng âm và loa.

- Dây đàn: dây kim khí mắc từ trục lên dây, chui qua một lỗ nhỏ ở cuối mặt đàn, kéo chếch lên buộc vào vòi đàn, chỗ miệng loe của bầu cộng hưởng.

- Bộ phận lên dây: một trục gỗ xuyên ngang hai bên thành đàn (ở phía cuối thân đàn) gắn một bộ phận lên dây bằng kim loại để mắc dây và lên dây. Bộ phận lên dây được cải tiến để dây không bị chùng xuống.

- Que gảy đàn: là một cái que nhỏ, ngắn và nhỏ hơn chiếc đũa, đầu vót nhọn hoặc hơi tròn tùy yêu cầu biểu diễn. Que đàn trước đây làm bằng tre, nay làm bằng cây Giang (họ tre mây). Nếu que gảy cứng quá hay bị vấp, còn mềm quá thì dễ gãy. Que gảy ngắn: tiếng mềm mại, trữ tình khi tremolo ở một bậc cao hay trên cùng một phím thì tiếng đàn nét rõ hơn. Que gảy dài: tiếng thô nhưng khỏe và chắc, đầy đặn.

- Bộ phận khuyếch đại: bầu cộng hưởng sau này của Ðàn Bầu được thay thế bằng gỗ chứ không bằng ống bương và vỏ quả bầu khô như trước. Một bộ phận cảm âm điện tử (Bobine électronique) được đặt trong đàn, gần chỗ mắc bộ phận lên dây, từ bộ phận cảm âm này sau đó được nối liền vào bộ phận khuyếch đại âm thanh điện tử (máy tăng âm và loa) để phát ra tiếng Ðàn Bầu.

Các điểm nút trên Ðàn Bầu

Ðàn Bầu không có phím nên điểm nút được coi như cung phím của Ðàn Bầu. Chiều dài của dây đàn là đoạn AB, điểm O ở chính giữa. Nếu lên dây đàn theo giọng Ðô thì khi gảy và chạm tay vào điểm O này (điểm nút) âm thanh phát ra sẽ là âm Ðô 1 lần lượt từ O đến A ta có:

* Ðiểm nút 1 (AB/3) âm bội là Sol 1

* Ðiểm nút 2 (AB/4) âm bội là Ðô 2

* Ðiểm nút 3 và 3' (AB/5) âm bội là Mi 2

* Ðiểm nút 4 (AB/6) âm bội là Sol2

* Ðiểm nút 5 (AB/7) âm bội là Si b2

* Ðiểm nút 6 (AB/8) âm bội là Ðô 3

Có thể đánh vào điểm nút 7 (AB/9) có âm bội Rê, điểm nút 8 (AB/10) để có âm bội Mi.....Nhưng không cần thiết vì đánh vào những nút đó, tay dễ bị vướng vào loa bầu, nghệ nhân có thể đánh vào điểm nút 6 rồi uốn căng vòi đàn để đạt những âm cao hơn âm bội ở điểm nút 6. Từ O đến B cũng có các điểm nút lần lượt đối xứng với các điểm nút từ O đến A nhưng ít khi dùng tới.

Màu âm, tầm âm

Tiếng Ðàn Bầu rất đẹp vì âm thanh phát ra toàn là âm bồi, tiếng đàn mềm mại, ngọt ngào, lắng sâu vào tình cảm của con người. Tầm âm: Ðàn Bầu rộng 5 quãng tám từ La-2 đến Sol3 (a-2 đến g3). Sử dụng âm bồi nên màu âm của Ðàn Bầu ngọt ngào, quyến rũ. Âm lượng của Ðàn bầu nhỏ để phục vụ được nhiều người người ta đã khuyếch đại âm thanh bằng cách điện tử hóa và đã đạt được thành công là âm thanh Ðàn Bầu vang to mà vẫn giữ được màu âm độc đáo.
Ví dụ:
 
 

Tính chất âm thanh và hệ thống định âm của Ðàn Bầu:

Cùng trên cây Ðàn Bầu, không phải chỉ có một lối phát âm như các nhạc cụ khác mà có 2 lối phát âm đó là: thực âm và bội âm như sau:

Thực âm: phương pháp cấu tạo âm thanh đã có ngay từ đầu khi sáng chế ra cây đàn, khi vòi đàn ở vị trí tự nhiên, tay phải ta gảy que chạm vào dây ở bất cứ điểm nào trên dây, âm thanh được phát ra chính là âm thanh mà ta đã định ban đầu khi mắc dây và lên dây. Sau đó cũng như vậy ta thay đổi các vị trí của vòi đàn, nắn vòi rồi gảy dây tại bất kỳ điểm nào thì ta lại được các cao độ khác nhau tương ứng với vị trí của vòi đàn (hay độ căng giãn của dây đàn). Như vậy cao độ của âm thanh chỉ thay đổi khi thay đổi vị trí vòi đàn và vị trí gảy dây đàn mà không hề ảnh hưởng tới âm thanh phát ra, phương pháp cấu tạo âm thanh thực âm không tận dụng được các vị trí khác nhau trên dây đàn để tạo ra các cao độ khác nhau nên có phương pháp tạo âm thanh là bồi âm.

Bồi âm: người biểu diễn dùng tay mặt tì nhẹ vào một điểm quy định nào đó (những điểm nút của dây) rồi gảy nhẹ vào dây, khi dây phát ra âm thanh thì tay phải kịp thời nhấc lên, âm thanh phát ra là bồi âm. Cứ lần lượt như vậy nghệ sĩ biểu diễn sẽ gảy các vị trí quy định khác nhau trên dây và được các cao độ khác nhau theo quy luật nhất định của luật âm thanh là bồi âm, và tiếp tục sử dụng tay trái thay đổi vị trí của vòi (cần đàn) ta được cả một hệ thống âm thanh đó là âm vực của Ðàn Bầu.

Âm bồi thứ hai: các nghệ nhân đã tạo ra âm bội thứ hai mà không gảy đàn thêm cũng không uốn vòi đàn. Gảy vào một điểm nút nào đó, âm thanh phát ra, khi tiếng đàn còn ngân nghệ nhân dùng cạnh bàn tay đưa nhanh chạm nhẹ vào điểm nút khác để có được âm dự định rồi nhấc tay ra ngay. Màu âm của tiếng đàn thứ hai này trong sáng, bay nhưng hơi mảnh, gây cảm giác bâng khuâng, xa xôi.

Cách ghi âm bồi thứ hai: trước hết ghi nốt nhạc phải gảy với độ ngân quy định, tiếp theo dùng dấu luyến bắt sang một nốt khác, nốt này là âm bội thứ hai (cũng cần ghi theo độ ngân quy định). Trên đầu nốt nhạc có một dấu tròn nhỏ.

Kỹ thuật diễn tấu
 

Tư thế ngồi và cách gảy đàn: Ngồi: đàn được đặt trên giá cao ngang tầm tay, người đàn ngồi trên ghế. Ðứng: đàn được đặt trên giá cao và nghệ nhân đàn với tư thế đứng . Kỹ thuật diễn tấu của Ðàn Bầu là sự kết hợp hài hòa và chặt chẽ giữa kỹ thuật của hai bàn tay của người nghệ sĩ.

Kỹ thuật tay phải: tay phải hơi khum lại, ngón trỏ và ngón cái khép lại và kẹp một chiếc que gảy. Khi gảy bàn tay mở ngược lên, lòng tay hướng lên trên, cạnh bàn tay tì nhẹ lên dây đàn đúng vào vị trí các phím đàn. Sau khi gảy dây: bằng sự va chạm giữa dây đàn và que gảy sẽ tạo nên một âm thanh, ngay khi đó bàn tay phải nhanh chóng nhấc ngay lên. Vị trí nốt trên Ðàn Bầu có thể được đánh dấu nhưng vì dây đàn được mắc cao hơn thân đàn và chéo góc nên độ chính xác không bằng các đàn có ngăn phím hẳn hoi.

Như vậy người nghệ sĩ Ðàn Bầu phải kết hợp cả mắt và tai nghe nữa, nhất là khi diễn tấu tác phẩm có tốc độ nhanh thì nhất thiết phải có sự kết hợp hài hòa và chính xác. Một điều nữa tay phải còn phải điều chỉnh độ mạnh, nhẹ, âm thanh cứng hay mềm (đó là sự điều tiết cường độ và sắc thái của tiếng đàn). Gảy âm tự nhiên: là cách đàn không sử dụng âm bồi, nghệ nhân khi gảy vào dây (ở bất cứ điểm nào trên dây mà muốn cho âm thanh không bị rè, ta nên gảy sát về phía quả Bầu) đồng thời tay trái uốn cong vòi đàn (động tác nhanh, dứt khoát, chính xác tiếng đàn mới đẹp, tránh âm thanh kêu nhõng nhẽo) để có âm thanh như ý muốn.

Ngón vê: là kỹ thuật gảy hai chiều (hất lên và gảy xuống) bằng que gảy, thường thực hiện ở những âm ngân dài, Vê diễn tả tình cảm vui tươi, phấn khởi.
Ví dụ:

 

Kỹ thuật tay trái: Tất cả kỹ xảo của bàn tay trái chủ yếu dồn vào sử dụng sao cho thật khéo léo và nhuần nhuyễn chiếc cần đàn (vòi đàn), tay trái định âm bằng kỹ thuật sử dụng vòi đàn (cần đàn) làm cho dây đàn chùng xuống hay căng lên theo ý muốn.

Ngón luyến: khi gảy xong một tiếng đàn, không gảy thêm mà dùng bàn tay trái kéo vòi đàn (cần đàn) lên hoặc xuống tạo ra các nốt khác nhau gọi là luyến.

Ngón nhấn: là khi gảy một tiếng đàn, đồng thời cùng một lúc dùng bàn tay trái chủ yếu là ngón tay cái và ngón trỏ ép sao cho cần đàn từ vị trí bình thường đổ ra (nhấn ra theo hướng tay trái) với mục đích làm căng dây đàn tới mức độ nhất định để tạo ra các âm cao độ khác theo ý muốn hoặc không có ở phím đàn trên dây. Ngón nhấn sử dụng trên đàn để định âm các quãng 2 thứ, quãng 2 Trưởng, quãng 3 Trưởng, quãng 3 thứ, quãng 4 đúng so với nốt cố định của điểm đàn (khi nhấn ra chỉ đến quãng 4).
Ví dụ:

 

Ngón chùng: (nhấn vào) ngược lại ngón nhấn là ngón chùng, là khi gảy xong một tiếng đàn, dùng bàn tay trái, chủ yếu là lực ngón trỏ và các ngón khác uốn vòi (cần đàn) nhấn vào theo hướng tay mặt cho dây chùng lại với mục đích tạo những âm có cao độ thấp hơn âm vừa gảy mà không thực hiện bằng điểm nút. Ví dụ gảy âm Sol1 ở điểm nút 1 rồi muốn có âm thấp hơn là Fa1, Mi1, Rê1 : nghệ nhân uốn vòi đàn cho chùng dây xuống để các âm đó vang lên. Ðây là điểm độc đáo nhất chỉ có ở Ðàn Bầu và Ðàn Ðáy là có thể tạo ra được các âm có cao độ thấp hơn so với âm trên phím đàn tạo ra, ngay các nhạc cụ cổ điển và hiện đại quốc tế cũng ít có trường hợp này. Nghệ nhân có thể đánh ngón chùng xuống 3. 4 cung. Ngón chùng sử dụng trên các Ðàn Bầu có vòi đàn và dây đàn có sức đàn hồi tốt, có thể đánh được từ quãng 8 trở lại, nhưng đa số là chùng xuống quãng 5 so với nốt trên phím.
Ví dụ:

 

Ngón rung: là khi tay phải gảy dây, các ngón tay trái rung nhẹ với vòi đàn, làm âm thanh phát ra như làn sóng cao thấp hơn âm chính một chút không đáng kể. Kỹ thuật ngón rung là sử dụng cả ngón nhấn và chùng trên vòi (cần đàn) với tốc độ rất nhanh (có thể tạo hiệu quả tương đối giống như "vibrato" của các nhạc cụ dây khác). Rung làm tiếng đàn ấm áp, mềm mại, đầy đặn và tùy loại rung mà tạo ra phong cách diễn tấu các Hơi Bắc, Hơi Nam...Ngón rung thường chỉ nhấn và chùng quãng 2 (ít khi quãng 3) so với nốt chính được tạo ra ở trên phím đàn (nốt chính phải có độ ngân tương đối dài).
Ví dụ:

 

Ngón giật: sau khi gảy một âm, sử dụng kỹ thuật nhấn nhanh làm âm thanh thứ hai phát ra đột ngột, gây ấn tượng khẩn trương, sửng sốt, thường giật từ âm thấp lên âm cao.
Ví dụ:

 

Ngón vỗ: còn gọi là đập, dùng ngón tay trái đập nhẹ, nhanh và dứt khoát vào vòi đàn làm âm thanh phát ra đứt đoạn nghe như những tiếng nấc, có thể vỗ vào 3 lần trên một âm, thường là những âm ngân dài để diễn tả tình cảm đau khổ, uất ức, nghẹn ngào. Ngón vỗ chỉ sử dụng âm thanh ở điểm nút O, như vậy ngón tay mới rảnh để vỗ.
Ví dụ:

 

Vị trí Ðàn Bầu trong các Dàn nhạc

 

Người Việt thường sử dụng Ðàn Bầu để độc tấu, đệm cho ngâm thơ, tham gia trong Ban nhạc Tài Tử, Ban nhạc Xẩm. Gần đây Ðàn Bầu tham gia trong Dàn nhạc Dân tộc Tổng hợp, Dàn nhạc Giao hưởng Dân tộc, Dàn nhạc Sân khấu Chèo, Cải Lương. Ðặc biệt đã có những tác phẩm viết cho Ðàn Bầu độc tấu cùng Dàn nhạc Giao hưởng.

Nguyễn Xinh phối âm dựa trên chất liệu bài Trống cơm (Dân ca Quan họ Bắc Ninh) viết cho Ðàn Bầu và Dàn nhạc Giao hưởng - Biểu diễn Ðàn Bầu: Hải Phượng.

 

Thạc sĩ Võ Thanh Tùng

Not Ranked
tiểu cầm thủ
Thanks you rất nhiều đã post . Mình đang cần những thứ này, copy về đây.
Forbidden fruit
Page 1 of 1 (2 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems