Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

bác nào ở thành phố hcm nên đến đây chơi

rated by 0 users
This post has 3 Replies | 1 Follower

Top 200 Contributor
đại cầm thủ
mộc kiếm Posted: 07-24-2009 8:32
Lão nghệ sĩ du ca đường phố 
23/07/2009 16:23 
Lão nghệ sĩ Tạ Trí Hải
Vài năm trở lại đây, những tiếng đàn rộn ràng thường vang lên ở một góc công viên 30.4 (đường Hàn Thuyên, bên hông Nhà thờ Đức Bà, Q.1, TP.HCM) đã trở nên quen thuộc với người dân Sài Gòn. Giữa cái ồn ào của phố thị bỗng xuất hiện một nét lãng mạn, đáng yêu...

Lão nghệ sĩ già và Câu lạc bộ Ngàn Sao

Người khởi xướng nên câu lạc bộ (CLB) này là lão nghệ sĩ Tạ Trí Hải, ông sinh năm 1940, dân Hà Nội chính gốc nhưng cách đây 32 năm lại "đơn thân độc mã" tay nải, tay đàn vào Sài Gòn sinh sống. Giữa chốn phồn hoa náo nhiệt, đôi lúc ông chạnh nhớ vẻ êm đềm, nét thanh bình của cố hương khiến ông thường ra công viên ngồi trầm tư. Rồi sẵn có vật bất ly thân là cây đàn, ông tấu lên những Hà Nội niềm tin và hy vọng, Hướng về Hà Nội, Người Hà Nội, Hà Nội đêm trở gió, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Nhớ mùa thu Hà Nội...

Tiếng đàn của ông len lỏi giữa dòng người ngược xuôi, níu chân một vài người hiếu kỳ, họ xúm lại nghe ông đàn, rồi hát theo tiếng đàn của ông. Đối với ông, như vậy là hạnh phúc và là nguồn động viên để từ đó đều đặn mỗi ngày ông xách đàn ra công viên chơi nhạc suốt 5 năm qua. Số người tập hợp quanh ông ngày càng nhiều, có người là nhạc sĩ thứ thiệt, có người chạy xe ôm nhưng đông nhất vẫn là các bạn sinh viên.

Thế là ông lập ra CLB Ngàn Sao, với điều kiện gia nhập CLB rất đơn giản: chỉ cần yêu thích âm nhạc! Ai có đàn thì ôm đàn tới diễn tấu chung với ông. Ông cũng chẳng câu nệ đàn ta hay đàn tây: guitare, mandoline, violon cặp kè với đàn nhị, đàn bầu, sáo trúc... Ai không có đàn thì góp tiếng hát, vậy là Trống cơm, Lên đàng, Tự nguyện, Bác đang cùng chúng cháu hành quân, Dậy mà đi, Kết đoàn, Nối vòng tay lớn, Vì nhân dân quên mình, Sài Gòn đẹp lắm, 60 năm cuộc đời... cứ thế âm vang dưới bóng mát tán cây công viên, tưng bừng cả một góc phố. Tuy vậy, không phải lúc nào cũng "khí thế" với những bản tráng ca mà cũng có lúc trầm lắng với những Làng tôi, Diễm xưa, Niệm khúc cuối... Dàn “đại hợp xướng” của ông có lúc lên đến trăm người, chơi suốt mấy giờ liền...

Có anh chàng viết một đoạn bằng tiếng Do Thái và một đoạn tiếng Việt (mới học được 3 tháng): "Tôi là Amit, người Israel. Tên Việt Nam là Hải vì ông ấy là một người thật đặc biệt nên tôi chọn tên Việt Nam cho tôi cũng giống tên ông ấy là "Hải". Tôi hy vọng được sống ở Việt Nam lâu dài. Tôi rất thích ở đây và tôi suy nghĩ người Việt Nam tốt nhất trên thế giới này. Amit Bar".

Đơn độc nhưng không cô đơn

Rất dễ nhận ra "lão nghệ sĩ du ca đường phố" Tạ Trí Hải bởi ông có một ngoại hình khá đặc biệt: mái tóc dài búi gọn, bộ râu trắng như cước và chiếc mũ cao bồi rộng vành lúc nào cũng ngự trên đầu. Buổi sáng, ông chơi đàn ở công viên 30.4, buổi tối ông qua công viên 23.9 (đoạn khu phố Tây, đường Phạm Ngũ Lão). Vốn thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp nên ở đó ông có rất nhiều bạn đến từ các nước, đủ cả Âu, Á, Mỹ, Phi, Úc... Những người nước ngoài này thường yêu cầu ông chơi những bài dân ca của quốc gia mình. Đôi khi họ lại dạy cho ông những bài mà ông không biết, thế nên vốn liếng dân ca quốc tế của ông khá phong phú, những A lou ette, La Paloma..., thích nhất là nghe ông chơi nhạc Nga: Chiều Matxcơva, Đôi bờ, Ngôi sao ban chiều, Cây thùy dương, Tình khúc Kachiusa...

Hành trang xuống phố mỗi ngày của ông gồm một cây đàn mandoline, một đàn violon, một kèn harmonica và những cuốn sổ lưu niệm. Cây đàn mandoline có lẽ đã "chinh chiến" cùng ông từ lâu lắm rồi nên cũ kỹ, loang lổ vết sơn lại bị mất đôi dây dưới cùng, dây đàn cũng có vài mối nối. Ngược lại, cây violon thì... mới cáu (cả hộp đàn cũng rất mới, hẳn ông mới tậu được từ tiền "boa" của khách Tây). Ông quý những cây đàn tri kỷ của mình lắm, lúc nào cũng mang theo một túi nhựa để bọc chúng thật kỹ phòng khi trời mưa... Hôm tôi gặp ông, trời đang chuyển mưa, ông vừa bọc đàn vừa tranh thủ cho tôi xem những cuốn sổ lưu niệm ghi lại cảm tưởng, số điện thoại, địa chỉ... của những người đã từng xem ông biểu diễn.

 Lão nghệ sĩ và những thành viên CLB Ngàn Sao cùng hát
Lão nghệ sĩ và những thành viên CLB Ngàn Sao cùng hát - Ảnh: Hà Đình Nguyên

Rất nhiều nét chữ, rất nhiều màu mực, chữ Việt, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Hàn, Ả Rập, Thái Lan..., có nhiều người dán cả ảnh của mình bên cạnh hàng chữ hoặc vẽ tặng chân dung "lão nghệ sĩ du ca" ngay trong cuốn sổ và ông bảo sắp sử dụng cuốn thứ 9. Có lẽ lão nghệ sĩ này không thể nào thống kê được có bao nhiêu người, bao nhiêu ngôn ngữ đã hiện diện trong những cuốn sổ lưu niệm. Thậm chí có những dòng chữ ông không đọc được, không hiểu người ta muốn nói điều gì, nhưng ông vẫn rất trân trọng từng câu chữ vì họ từ nhiều nơi trên thế giới đã đến đây, xem ông biểu diễn và lưu lại cho ông chút kỷ niệm tình người.

Mỗi khuya, ông đơn độc trở về soi bóng mình trong căn phòng mục nát ở góc phố Ngô Đức Kế - Nguyễn Huệ nhưng sáng ra có rất nhiều người đang chờ đón ông ở công viên góc phố Hàn Thuyên. Rồi, tiếng đàn lảnh lót lại vang lên...

Hà Đình Nguyên

Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1

Tui cũng có lần thổi sáo chung với nghệ sĩ này và có đi ăn sáng với ông 1 lần. Và bài này cũng được bác Trau nhà ta post rồi.

http://damsan.net/forums/thread/9755.aspx

Top 200 Contributor
đại cầm thủ

bác saotruc chơi nhạc với cụ rồi àh? cụ ông chơi có hay không/ chắc cụ không biết nốt nhạc áh?

nhìn phong thái trông bảnh bao nhỉ ? một cụ ông đẹp lão và nghệ sỹ như phim kiếm hiệp áh? cụ lên phim chắc khỏi cần trang điểm luôn Yes

Top 10 Contributor
đại cầm sư cấp 1
Làm gì mà không biết, nhạc lý hơi bị siêu đó bác.
Page 1 of 1 (4 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems