Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Đáp án câu hỏi tuyển sinh Đại học

rated by 0 users
This post has 1 Reply | 1 Follower

Top 75 Contributor
cầm sư cấp 2
sicore Posted: 04-12-2009 8:17
Đáp án câu hỏi tuyển sinh Đại học

CÂU SỐ 1


a/ Dấu hóa là gì? Có mấy loại? Thế nào là dấu hóa theo khóa và dấu hóa bất thường? Ý nghĩa của khóa Fa dòng 4?

- Dấu hóa là dấu dùng để thay đổi cao độ của nốt nhạc. Có 5 loại : #, x (thăng kép), b, bb, dấu bình

- Dấu hóa theo khóa: là dấu hóa nằm ở đầu các dòng nhạc, sau khóa nhạc, có giá trị với tất cả các nốt nhạc trùng tên ở tất cả mọi quãng 8 trong suốt tác phẩm âm nhạc

- Dấu hóa bất thường: là dấu hóa không có ngoài bộ khóa, xuất hiện bất thường trong 1 ô nhịp nào đó, đứng trước 1 nốt nhạc nào đó và chỉ có giá trị đối với các nốt nhạc trùng tên có trong ô nhịp đó.


- Ý nghĩa của khóa Fa dòng 4: cho biết nốt nhạc nằm ở dòng kẻ thứ 4 là nốt Fa. Nốt Fa này thuộc quãng 8 nhỏ.

b/ Hãy nói về sự tiến hành cơ bản của các bè trong nối tiếp các hợp âm. Nối tiếp hai hợp âm theo lối hòa âm là gì? Theo lối giai điệu là gì?

- Sự tiến hành cơ bản của các bè trong nối tiếp các hợp âm là nối tiếp theo bước lần hoặc bước nhảy.

* Tiến bước lần là khi bè di chuyển quãng 1,2,3

* Tiến bước nhảy là khi bè di chuyển quãng 4 trở lên

- Nối tiếp hai hợp âm theo lối hòa âm: ít nhất phải có 1 bè trong 4 bè được giữ lại

- Nối tiếp hai hợp âm theo lối giai điệu: tất cả các bè đều chuyển động, không bè nào được giữ lại.

c/ Đặc điểm của hình thức 1 đoạn đơn giản:

- là hình thức có cấu trúc nhỏ nhất của đoạn nhạc, thường gồm 2 câu: câu 1 thường kết ở bậc V, câu 2 thường kết ở bậc I.

- trong các tác phẩm cho Thanh nhạc, câu 2 thường nhắc lại lần nữa, tạo cảm giác câu 2 là đoạn điệp khúc

- trong các tác phẩm cho Khí nhạc, hình thức này dùng để viết các tiểu phẩm (vd: Prelude) vì độ dài không lớn, do đó thường chỉ chứa đựng 1 chủ đề âm nhạc, phản ánh 1 hiện tượng âm nhạc.

d/ Ý nghĩa của 2 tập “Bình quân luật” cho đàn Clavecin của J.S.Bach

J.S.Bach là nhạc sĩ vĩ đại người Đức, đại diện tiêu biểu của âm nhạc tiền cổ điển, đặt nền tảng cho nhiều thể loại âm nhạc cổ điển về sau.

Ông đặt ra luật bình quân hệ thống thang âm, nghĩa là chia 1 quãng 8 thành 12 phần đều nhau, mỗi phần là nửa cung, có độ lớn = 4.5 comma. Nhờ quy luật này mà việc sáng tác, biểu diễn, truyền bá âm nhạc cũng như chế tạo nhạc cụ được dễ dàng hơn, mở đường cho âm nhạc thế giới phát triển.

Ông thể hiện hệ thống thang âm mới này qua 2 tập “Bình quân luật”, mỗi tập gồm 24 cặp prelude & fuga, sắp xếp theo thứ tự nửa cung, bắt đầu từ C, mỗi nốt có 2 bài trưởng và thứ. Tác phẩm còn chứa đựng phong phú các hình tượng âm nhạc cũng như phát triển âm nhạc phức điệu và nghệ thuật biểu diễn đàn phím.


CÂU SỐ 2

a/ Tiết tấu là gì? Giải thích sự khác nhau về sự phân chia trường độ cơ bản và trường độ tự do

- Tiết tấu là mối tương quan về trường độ của các nốt nhạc nối tiếp nhau

- Trường độ cơ bản: được phân chia chẵn

- Trường độ tự do: được phân chia ước lệ

b/ Hợp âm 7 át là gì? Nêu cách giải quyết hợp âm này ở thể nguyên vị về hợp âm ba chủ.

- Hợp âm 7 át là hợp âm 7 được xây dựng trên bậc V của điệu thức trưởng tự nhiên hoặc thứ hòa âm.

- Cách giải quyết hợp âm 7 át ở thể nguyên vị về hợp âm 3 chủ: nếu hợp âm 7 đầy đủ thì hợp âm 3 chủ có thể thiếu âm 5

c/ Đặc điểm cấu trúc của hình thức biến tấu

- Hình thức biến tấu: ngoài sự trình bày đầu tiên của chủ đề âm nhạc, còn lại là một loạt sự nhắc lại có thay đổi chủ đề âm nhạc, gọi là các biến tấu.

- Công thức: A A1 A2 A3 …

- Số lượng biến tấu không hạn chế, nhưng tối thiểu là 5 biến tấu và Coda.

Vd: Beethoven viết 32 biến tấu cho piano (c-moll)

d/ Thân thế & Sự nghiệp của W.A. Mozart

- Mozart là thần đồng âm nhạc người Áo, 4 tuổi đã bắt đầu sáng tác và biểu diễn.

- Ông sáng tác thành công hầu như mọi thể loại âm nhạc đương thời. Tiêu biểu có:

- Giao hưởng: 41 bản, nổi tiếng nhất là N.39, 40, 41

- Opera: nổi tiếng với “Đám cưới Figaro”, “Cây sáo thần”, “Don Juan”… nghiêng về hướng hài hước

- Tác phẩm cho piano: 19 sonate và nhiều biến tấu, tiểu phẩm

- Ngoài ra còn một lượng đồ sộ các tác phẩm cho hòa tấu, thanh nhạc, độc tấu các loại….

- Tính chất âm nhạc: trong sáng, nhẹ nhàng, thể hiện niềm tin vào cuộc sống, tình yêu con người.


CÂU SỐ 3

a/ Quãng là gì? Sự khác nhau giữa quãng hòa âm và quãng giai điệu?

- Quãng: trong âm nhạc, quãng là khoảng cách giữa 2 âm, âm dưới là âm gốc, âm trên là âm ngọn.

- Có 2 loại: quãng hòa âm và quãng giai điệu

- Quãng hòa âm: được tạo ra khi 2 âm thanh phát ra đồng thời cùng 1 lúc.

- Quãng giai điệu: được tạo ra khi 2 âm thanh lần lượt phát ra, nối tiếp nhau.

b/ Chức năng của hợp âm ba bậc VI? Được sử dụng trong trường hợp nào?

- Hợp âm ba bậc VI trong điệu trưởng là hợp âm ba thứ, còn trong điệu thứ là hợp âm trưởng.

- Vì thế, nó có 2 chức năng: chủ & hạ át. Khi đứng trước nhóm D, nó sẽ là hạ át. Khi đứng sau nhóm D, nó mang chức năng T.

c/ Đặc điểm của hình thức 2 đoạn đơn giản

- Đây là hình thức có 2 phần, mỗi phần có cấu trúc 1 đoạn nhạc đơn.

- Phần 1 là phần trình bày, thông thường gồm 2 câu nhạc, thống nhất về giai điệu chủ đề, hòa âm, cấu trúc; câu 1 thừơng kết ở bậc V, câu 2 kết ở bậc I

- Phần 2 gồm 2 câu. Câu 1 của phần 2 luôn tương phản phần 1 về giai điệu chủ đề, hòa âm, cấu trúc, tương tự phần phát triển. Câu 2 nếu nhắc lại âm nhạc của phần 1 thì gọi đây là hình thức 2 đoạn đơn có tái hiện, nếu không nhắc lại thì gọi là hình thức 2 đoạn đơn không tái hiện.

- Hình thức này được sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm cho thanh nhạc cũng như khí nhạc.

d/ Vị trí của L.v.Beethoven trong trường phái âm nhạc cổ điển Vienne.

- Beethoven là nhạc sĩ vĩ đại người Đức, là đại diện cuối cùng, cũng là đỉnh cao của âm nhạc cổ điển Vienne. Âm nhạc của ông mang tính kêu gọi, thúc giục con người đấu tranh vì tự do, bình đẳng và bác ái.

- Ông viết rất nhiều tác phẩm, tiêu biểu như:

- Giao hưởng: 9 bản, nổi tiếng nhất là N.3, 5, 9. Trong đó N.9 là giao hưởng đầu tiên có kết hợp với hợp xướng, phần lời dựa theo thơ của Schiller.

- Tác phẩm cho Piano: nổi bật với 5 concerto, 32 sonate (nổi tiếng nhất: N.8, 14, 23)

- Ngoài ra còn rất nhiều tác phẩm cho hòa tấu, thanh nhạc.


CÂU SỐ 4

a/ Cách thành lập quãng tăng và quãng giảm? Thế nào là trùng âm, trùng quãng? Cho vd

- Quãng tăng: được thành lập từ quãng đúng hay quãng trưởng rồi thêm vào đó nửa cung

- Quãng giảm: được thành lập từ quãng đúng hay quãng thứ rồi bớt nửa cung.

Vd: Do – Mi : 3 trưởng Mi - Do : 6 thứ

Do – Mi # : 3 tăng Mi – Dob: 6 giảm

Do – Fa : 4 đúng Do – Sol : 5 đúng

Do – Fa #: 4 tăng Do – Solb : 5 giảm

- Trùng âm: các âm có hiệu quả âm thanh vang lên như nhau nhưng nốt viết và tên gọi khác nhau

- Trùng quãng: các quãng có hiệu quả âm thanh vang lên như nhau nhưng nốt viết và tên gọi khác nhau

Vd: Sol # = La b

Fa – Si: 4 tăng = Fa – Do b: 5 giảm

b/ Những hợp âm nào là hợp âm 3 chính. Hãy nói vòng chức năng cơ bản của hòa âm. Cho vd cụ thể và kể tên hợp âm.

- Hợp âm 3 chính: là những hợp âm thuộc bậc I, IV, V.

- Trong điệu thức trưởng, đó là hợp âm I trưởng, IV trưởng, V trưởng. Vd: C-Dur : C, F, G

- Trong điệu thức thứ: I thứ, IV thứ, V trưởng. Vd: a-moll: a, d, E

- Vòng chức năng cơ bản của hòa âm: T-S-D-T

Vd: C-Dur: C-F-G-C a-moll: a-d-E-a

c/ Hãy nói về đặc điểm cấu trúc của hình thức 3 đoạn phức tạp.

- gồm 3 phần lớn: Trình bày TB – Phát triển PT – Tái hiện TH, trong đó TB và TH thường giốn nhau, được viết ở hình thức 2 hoặc 3 đoạn đơn.

- PT luôn tương phản với 2 phần ngoài cùng.

- Nếu PT được viết ở hình thức 2 hoặc 3 đoạn đơn (nghĩa là có thể phân chia câu, đoạn được) thì gọi là hình thức 3 đoạn phức với đoạn giữa TRIO.

- Nếu đoạn giữa gồm những thành phần âm nhạc mới, cấu trúc không ổn định, không thể phân chia câu, đoạn nhạc thì gọi là hình thức 3 đoạn phức với đoạn giữa EPISODE.

- Sau phần TH thường có CODA với mục đích tổng kết toàn bộ tác phẩm.

d/ Vai trò của Schubert trong trường phái lãng mạn. Đọc hoặc đàn một chủ đề giao hưởng hay một giai điệu của Schubert.

- Schubert là nhạc sĩ nổi tiếng người Áo, được mệnh danh là vua ca khúc (hơn 600 bài), có 9 giao hưởng, nổi tiếng nhất là N.8 “Bỏ dở” và sáng tác nhiều tp hòa tấu khác.

- Sáng tạo thể loại Liên ca khúc, tiêu biểu có “Khúc hát thiên nga”, “Cô chủ cối xay xinh đẹp”.

- Tính chất âm nhạc: giai điệu có chiều sâu, nói lên tình yêu cái đẹp và khát vọng sống của con người.
CÂU SỐ 5

a/ Thế nào là quãng 8? Kể tên các quãng 8 của hệ thống âm sử dụng trong âm nhạc. Ý nghĩa của khóa Do dòng 3?

- Quãng 8: là khoảng cách giữa 2 âm cùng tên trong đó chứa 7 bậc, có độ lớn là 6 cung.

- Các quãng 8 sử dụng trong âm nhạc: quãng 8 cực trầm - trầm - lớn - nhỏ - 1 – 2 – 3 – 4 – 5. Trong đó 2 q8 ngoài cùng là q8 thiếu.

- Ý nghĩa của khoá Do dòng 3: cho biết nốt nhạc nằm ở dòng kẻ thứ 3 là nốt Do. Nốt Do này thuộc q8 1.

b/ Nêu tên các hợp âm thuộc nhóm chủ (T), át (D) và hạ át (S) của điệu thức trưởng tự nhiên và thứ hòa âm. Cho Vd cụ thể.

Trong điệu trưởng tự nhiên: C-dur

- T: I, III, VI . Vd: C, e, a

- S: II, IV, VI: Vd: d, F, a

- D: III, V, VII: Vd: e, G, hgiảm

Trong điệu thứ tự nhiên: a-moll

- T: I, III, VI . Vd: a, Ctăng, F

- S: II, IV, VI. Vd: hgiảm, d, F

- D: III, V, VII. Vd: Ctăng, E, gisgiảm

c/ Hãy nói về đặc điểm cấu trúc hình thức Rondo.

- Hình thức Rondo là h.thức mà chủ đề âm nhạc xuất hiện ít nhất 3 lần . Giữa chúng là các thành phần âm nhạc mới tương phản với chủ đề âm nhạc ban đầu. Những đoạn nhạc mới này gọi là những đoạn chen hoặc là những đoạn Episode.

- Công thức: A B A C A…

- Ở số lượng các chủ đề của đoạn chen không hạn chế. H.thức Rondo được bắt nguồn từ những điệu múa, hát vòng tròn có điệp khúc, do đó cấu trúc chủ đề âm nhạc (A) thường vuông vắn, giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc.

d/ Hãy nói về F. Chopin và các thể loại âm nhạc đã sáng tác cho đàn Piano. Đọc hoặc đàn 1 chủ đề âm nhạc trong tập Prélude viết cho đàn piano hoặc 1 giai điệu của Chopin.

- Chopin là nhạc sĩ lãng mạn người Ba Lan, được mệnh danh là nhà thơ của cây đàn piano. Ông không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn piano thiên tài mà còn là nhạc sĩ sáng tác vĩ đại. Hầu như tất cả sáng tác của mình ông đều viết cho piano. Ông có công rất lớn trong việc phát triển âm nhạc dân gian Ba Lan, đưa âm nhạc d.gian Ba Lan hòa nhập vào kho tàng âm nhạc chung của TG.

- Các thể loại cho piano: Valse, scherzo, mazurka, impromptu, polonaise, polka,… Đặc biệt các étude cho piano không chỉ đơn thuần là những khúc luyện ngón mà các bản étude này còn chứa đựng nội dung & hình tượng âm nhạc rất cao, người thường lấy là làm tp độc lập. VD: étude “cách mạng” No.12 op.10. Thậm chí người ta còn phổ lời để hát.

- Ông viết 2 bản concerto cho piano: No.1 e-moll, No.2 f-moll (năm 1980 tại cuộc thi Chopin làn 10, Đặng Thái Sơn đoạt giải I concerto No.2)





CÂU SỐ 6

a/ Hãy giải thích 2 con số trên và dưới để chỉ loại nhịp? Giải thích sự khác nhau giữa nhịp đơn và nhịp kép.

- 2 con số trên và dưới để chỉ loại nhịp:

Số trên: cho biết số lượng phách có trong mỗi ô nhịp.

Số dưới: cho biết giá trị trường độ mỗi phách tính từ nốt tròn (lấy nốt tròn chia cho số dưới)

- Nhịp đơn: là loại nhịp trong mỗi ô nhịp chỉ có 1 phách mạnh (vd:2/4, 3/4, 3/8, 2/2)

- Nhịp kép:là loại nhịp kết hợp 2 hay nhiều nhịp đơn cùng loại, có từ 2 phách mạnh trở lên (vd: 4/4, 6/8, 9/8)

b/ Hãy nói về các hợp âm S bậc IV và II trong điệu thức trưởng tự nhiên và trưởng hòa âm. Quy luật nối tiếp của 2 hợp âm này với nhau được thể hiện như thế nào?

- Trong điệu trưởng tn: hợp âm S bậc IV là H. 3 trưởng. Đây là H. hạ át chính. Hợp âm S bậc II là H. 3 thứ do đó khi sử dụng bao giờ ng.ta cũng để H. S phụ sau S chính.

- Trong điệu trưởng hòa âm thì bậc VI hạ xuống nửa cung, do đó H. bậc IV là H. 3 thứ, H. bậc II là H. 3 giảm. Theo ng.tắc chung, H. S phụ bao giờ cũng đứng sau S chính nhưng vì ở điệu trưởng hòa âm bậc II là H. 3 giảm nên ng.ta dùng bậc II ở thể đảo 1.

c/ Hãy nói đặc điểm chung của hình thức Sonate.

Hình thức sonate là h.thức gồm 3 phần: phần trình bày, phần phát triển và phần tái hiện.

- Phần TB là phần giới thiệu 2 chủ đề âm nhạc tương phản nhau về tính chất âm nhạc & hòa âm. Chủ đề 1 thường viết ở tốc độ nhanh Allegro & viết ở giọng chính của tác phẩm. Chủ đề 2 viết ở giọng phụ. Phần trình bày gồm 4 thành phần: CĐ1 - nối - CĐ2 - kết luận.

- . Phần phát triển: là phần ng.ta biến đổi, phát triển 2 chủ đề âm nhạc nói trên ở các giọng điệu khác nhau.

- Phần tái hiện: là phần nhắc lại âm nhạc của phần trình bày nhưng về hòa âm có thay đổi, đó là 2 chủ đề âm nhạc được viết chung ở 1 giọng chính của tp. Sau khi tái hiện thường có Coda.

d/ Thân thế, sự nghiệp của Tchaikovsky.

- P. Tchaikovsky là nhạc sĩ cổ điển người Nga thế kỷ 19 trong khi âm nhạc TG đang ở thời kỳ lãng mạn. Tchaikovsky góp phần rất lớn trong việc phát triển âm nhạc Nga, đưa âm nhạc Nga hòa nhập vào dòng chảy chung của âm nhạc TG. Ông viết hầu như ở tất cả mọi thể loại âm nhạc, thể loại nào cũng đạt tới đỉnh cao của sự sáng tạo. 1 số tp lớn của ông có thể kể tới:

Giao hưởng (6 bản) đồ sộ nhất là No.6 “bi thương” h-moll

Ballet: Hồ thiên nga, Người đẹp ngủ trong rừng.

Opera: Con đầm pích

- Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều các tp âm nhạc hòa tấu, độc tấu cho các nhạc cụ (vd: liên khúc “4 mùa” cho piano) & rất nhiều tp cho thanh nhạc.

- Tính chất âm nhạc: trữ tình, triết lý, giai điệu dễ nghe, lấy chất liệu từ âm nhạc dân gian thành thị Nga. Hòa âm phối khí chặt chẽ.





CÂU SỐ 7

a/ Điệu thức là gì? Sự khác nhau giữa điệu thứ tự nhiên, thứ hòa âm, thứ giai điệu?

- Điệu thức: là sự kết hợp của 1 chuỗi âm mà trong đó âm ổn định và ko ổn định liên kết theo 1 quy luật nhất định.

- Điệu thứ tự nhiên: là điệu thức mà khoảng cách giữa các bậc II-III, V-VI là ½ cung, còn các bậc khác đứng cạnh nhau cách 1 cung.

- Điệu thứ hòa âm: là so với thứ tự nhiên có bậc VII nâng lên ½ cung. Khi đó, khoảng cách giữa bậc VI-VII là quãng 2 tăng (VII-I (VIII) là ½ cung).

- Điệu thứ giai điệu: là so với thứ tự nhiên thì có bậc VI & VII nâng lên ½ cung.

b/ Chuyển điệu là gì? Chuyển điệu cấp I là gì? Cho ví dụ.

- Chuyển điệu: là giai điệu chuyển từ giọng này sang giọng khác và kết thúc ở giọng mới đó.

- Chuyển điệu cấp I: là quá trình chuyển điệu đến các giọng họ hàng gần, nghĩa là các giọng đó có số lượng âm chung rất nhiều, các hợp âm chủ và gốc đều có thể làm hợp âm chung.

- Vd: C-dur là giọng gốc

Chuyển điệu cấp I có 3 loại:

+ Chuyển về giọng song song: C-dur => a-moll (cùng dấu hóa)

+ Chuyển về giọng cách 1 dấu hóa: C-dur => G-dur (chuyển về át)

C-dur => e-moll (// át)

C-dur => F-dur (chuyển về hạ át)

C-dur => d-moll (// hạ át)

+ Nếu giọng gốc là điệu trưởng thì chuyển về bậc IV thứ: C-dur => f-moll

Nếu giọng gốc là điệu thứ thì chuyển về bậc V trưởng: a-moll => E-dur

c/ Hình thức 3 đoạn kép Rondo.

Hình thức 3 đoạn kép Rondo là h.thức mà ở đó có sự kết hợp của cả 2 h.thức: Rondo & 3 đoạn. Trên cơ sở cấu trúc rondo: A B A C A nhưng ở đây Episode I (B) có sự phát triển ít, khi đó A B A coi như phần trình bày. Episode II © phát triển rất lớn & coi như là phần phát triển của h.thức 3 đoạn. Phần tái hiện coi như là phần tái hiện rút ngắn.

d/ Thân thế, sự nghiệp của R.Schumann & những cống hiến của ông đối với lịch sử âm nhạc.

R.Schumann là nhạc sĩ người Đức thuộc thời kỳ lãng mạn. Ông đóng góp rất lớn trong việc phát triển âm nhạc lãng mạn Đức. Không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn piano mà ông còn là nhạc sĩ sáng tác, nhà sư phạm âm nhạc, tổ chức biểu diễn, hoạt động âm nhạc. Ông có công rất lớn trong việc giúp đỡ các nhạc sĩ trẻ trong sự nghiệp sáng tác của họ. Ông viết rất nhiều lời khuyên cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ trẻ mà ng.ta gọi đây là “những lời khuyên của R.Schumann”. Ông là tác giả của 4 bản giao hưởng, có công rất lớn trong việc phát triển thể loại liên khúc cho piano (vd: “carnaval” op.9, “Kreisleriana”). Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều tp cho thanh nhạc và những thể loại khác.





CÂU SỐ 8

a/ hợp âm 3 có mấy loại? Cấu trúc từng loại? Các thể đảo? Giải thích.

- Hợp âm 3 có 4 loại: H. 3 trưởng, H. 3 thứ, H. 3 tăng, H. 3 giảm.

+ H. 3 trưởng: gồm 2 quãng 3 chồng lên nhau. Quãng 3 dưới là q.3Trưởng. Quãng 3 trên là q.3thứ. 2 âm ngoài cùng tạo thành quãng 5đúng.

+ H. 3 thứ: gồm 2 quãng 3 chồng lên nhau. Quãng 3 dưới là q.3thứ. Quãng 3 trên là q.3Trưởng. 2 âm ngoài cùng tạo thành quãng 5đúng.

+ H. 3 tăng: gồm 2 quãng 3 trưởng chồng lên nhau. 2 âm ngoài cùng tạo thành quãng 5 tăng.

+ H. 3 giảm: gồm 2 quãng 3 thứ chồng lên nhau. 2 âm ngoài cùng tạo thành quãng 5 giảm.

- Các thể đảo của H. 3: có 2 thể đảo.

+ Đảo 1: từ hợp âm 3 nguyên vị ng.ta chuyển âm 1 lên 1 q.8Đ. Khi đó thứ tự các âm từ dưới lên là âm 3,5,1. Vd: KH I6, IV6, III6.

+ Đảo 2: từ hợp âm nguyên vị, ng.ta chuyển âm 1 & 3 lên 1 q.8Đ. Khi đó thứ tự các âm từ dưới lên là âm 5,1,3. Vd: KH I64, V64.

b/ Trong nối tiếp hợp âm, khi tiến hành bè cần tránh những lỗi gì căn bản?

Trong nối tiếp hợp âm, khi tiến hành bè cần tránh những lỗi:

- Quãng 5 & 8 song song/ song song ẩn.

- Ngược công năng, lỗi syncope hợp âm.

- 3 bè trên ko cách nhau quá quãng 8. Khoảng cách giữa 3 bè trên với bè basse tối đa là 2q.8.

- Chéo bè.

c/ Đặc điểm hình thức Rondo-Sonate

Ở h.thức Rondo-Sonate là sự kết hợp của 2 h.thức Rondo & sonate, nghĩa là gồm 3 phần lớn: trình bày, phát triển, tái hiện.

Phần trình bày giới thiệu 2 chủ đề âm nhạc tương phản như h.thức sonate thông thường. Chủ đề 2 tương ứng với Episode 1. Nhưng so với h.thức sonate thông thường thì chủ đề 1 xuất hiện thêm lần nữa.

Phần phát triển trong h.thức rondo-sonate chính là Episode 2 © trong sơ đồ.

Phần tái hiện cũng là sự nhắc lại âm nhạc của phần trình bày, nghĩa là chủ đề 1 nhắc lại 2 lần & theo nguyên tắc của h.thức sonate là chủ đề 2 cũng được chuyển về giọng điệu của chủ đề 1.

d/ Thân thế, sự nghiệp của F.Liszt. Những cống hiến của ông trong nghệ thuật âm nhạc giao hưởng.

F.Liszt là nhạc sĩ lãng mạn người Hungary, là người đặt nền móng cho âm nhạc cổ điển Hungary. Ông vừa là nghệ sĩ biểu diễn piano kỳ tài, vừa là nhạc sĩ sáng tác, chỉ huy dàn nhạc, là người tryền bá âm nhạc ko mệt mỏi. Ông chính là thủ lĩnh của trường phái âm nhạc lãng mạn thuộc thành phố Weimar, Đức.

Ông là người sáng tạo ra thể loại giao hưởng thơ “symphony poem” vd như: “Don Quixote”, “Anh hùng thời đại”…; ông củng cố giao hưởng có tiêu đề.

Về cuối đời, ông quay về Hungary trở thành linh mục, ông đi truyền bá âm nhạc với suy nghĩ rằng âm nhạc có thể thay đổi được con người & cuộc sống. Ông đã bỏ rất nhiều thời gian để chuyển soạn các tp âm nhạc kinh điển TG cho piano.

Tp: 19 Rhapsodie Hungary cho Piano.





CÂU SỐ 9

a/ Thế nào là giọng cùng tên? Giọng song song? Cho vd.

- Giọng cùng tên: là giọng có cùng âm chủ nhưng khác nhau ở thể trưởng hoặc thứ. 2 giọng này cách nhau 3 dấu hóa. Vd: C-dur --- c-moll

- Giọng song song: là cặp giọng trưởng - thứ có số dấu hóa theo khóa giống nhau. Vd: D-dur --- a-moll.

b/ Những hợp âm nào là hợp âm 7 phụ? Cách sử dụng nó.

- Những hợp âm 7 phụ: I7, III7, IV7, VI7.

- Người ta gọi là những H. mô tiến vì chúng được dùng chủ yếu trong các mô tiến. Trong các chuỗi mô tiến thì các H. 7 phụ thường nằm ở giữa. Âm 7 của những H. này thường được dùng như âm lướt hoặc âm có chuẩn bị.

c/ Thế nào là hình thức Sonate không có phần phát triển?

H.thức Sonate ko có phần phát triển là h.thức sonate chỉ có 2 phần: trình bày và tái hiện.

Phần trình bày cũng là phần mà ở đó ng.ta giới thiệu 2 chủ đề âm nhạc tương phản nhau về giai điệu chủ đề & hòa âm giống như h.thức sonate thông thường. Sau khi kết thúc phần trình bày, thường có 1 đoạn nối & dẫn ngay về phần tái hiện mà ko có phần phát triển.

Phần tái hiện cũng là sự nhắc lại âm nhạc của phần trình bày & chủ đề 2 cũng được viết ở giọng điệu của chủ đề 1. Vì ko có phần phát triển nên gọi là h.thức ko có phần phát triển. (ng.ta áp dụng h.thức này ở các chương giữa, tốc độ chậm).

d/ Thân thế, sự nghiệp của F. Mendelssohn. Những cống hiến của ông trong lịch sử âm nhạc.

F.Mendelssohn là nhạc sĩ lãng mạn người Đức, là người có công rất lớn trong việc phát triển âm nhạc lãng mạn. Ông là người sáng tạo ra thể loại ca khúc không lời (48 bản cho piano), là người sáng tạo ra thể loại overture hòa tấu. Ông đã có công rất lớn trong việc tìm các giá trị các tp âm nhạc của các bậc tiền bối (âm nhạc của Bach), cũng như giới thiệu các tp âm nhạc của các nhạc sĩ trẻ. Nhắc tới Mendelssohn, ng.ta thường nhắc đến bản concerto e-moll cho dn & violon, đây là 1 trong những kiệt tác của kho tàng âm nhạc TG.


CÂU SỐ 10

a/ Giải thích: chồng âm, hợp âm, hòa âm.

- Chồng âm: là sự kết hợp bất kỳ các âm cùng 1 lúc.

- Hợp âm: là chồng âm bao gồm từ 3 âm trở lên được sắp xếp theo quãng 3.

- Hòa âm: là sự kết hợp và nối tiếp các hợp âm theo những quy luật luật nhất định (theo chiều dọc và chiều ngang).

b/ Hợp âm 7 dẫn là gì? Cách giải quyết của nó (ở thể nguyên vị) về hợp âm ba chủ.

- Hợp âm 7 dẫn: là H. 7 được xây dựng trên bậc VII. Vì bậc VII có tên gọi là âm dẫn nên được gọi là H. 7 dẫn.

- Khi giải quyết H. 7 dẫn ở thể nguyên vị về H. 3 chủ, ng.ta tăng đôi âm 3 để tránh quãng 5 song song.

c/ Đặc điểm hình thức Concerto?

Concerto là 1 thể loại âm nhạc thường gồm 3 chương với tốc độ các chương nhanh - chậm - nhanh cho 1 nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc giao hưởng.

Chương I viết ở h.thức sonate nhưng h.thức sonate này có 1 số thay đổi khác với thông thường. Đó là có phần trình bày kép: phần trình bày thứ nhất của dàn nhạc giao hưởng, sau đó nghệ sĩ độc tấu đàn chủ đề âm nhạc thêm lần nữa (2 chủ đề viết chung ở 1 giọng điệu).

Ngoài ra, phần phát triển thường có thêm đoạn Cadenza, khi đó dàn nhạc tạm ngưng để nghệ sĩ độc tấu phô diễn kỹ thuật của mình. Ban đầu (từ thời Mozart trở về trước) phần này do nghệ sĩ tự ứng tác, sau đó tác giả viết ra nốt để nghệ sĩ biểu diễn đàn theo nốt viết sẵn.

d/ Vài nét về nhóm nhạc sĩ Nga 5 người, kể tên 1 số tp tiêu biểu.

TK 19, âm nhạc Nga đang trong thời kỳ âm nhạc cổ điển, trong khi âm nhạc TG đang bước vào thời kỳ lãng mạn. Ngoài Tchaikovsky, Rubinstein thì nước Nga còn có 1 nhóm nhạc sĩ gồm 5 người: César Cui, Rimsky Korsakov, Borodine, Mussorgsky, Balakirev. Người ta gọi đây là nhóm “Khỏe” hay “Hùng mạnh”. Nhóm “Khỏe” rất mạnh về kỹ thuật hòa âm & phối khí. Nghệ thuật hòa âm & phối khí của họ thậm chí còn ảnh hưởng đến các nhạc sĩ phương Tây.

Các tp tiêu biểu của họ là: Opera “Hoàng tử Igor” - Borodine, liên khúc cho piano “Những bức tranh trong phòng triển lãm” - Mussorgsky, tổ khúc giao hưởng “Nàng Scheherazade” dựa theo truyện “Nghìn lẻ một đêm” - R. Korsakov…

Ngoài việc sáng tác, biểu diễn, các nhạc sĩ thuộc nhóm “Khỏe” còn ra tạp chí truyền bá âm nhạc, đã góp phần rất lớn trong việc đưa âm nhạc cổ điển Nga phát triển
(theo dien dan nhac vien TPHCM)

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 4

Gà con mới ra đời nên đọc chỗ hiểu, chỗ không hiểu lắm.

Không biết có giáo trình nào viết thật kĩ không, mỗi bài viết chút xíu và dành cho nhiều đối tượng và trình độ khác nhau.

Mình đọc qua nhiều sách Trần Thành Trung, Nguyễn Đình Nghĩa, Vinh Lê (nhạc hay sách gì đó) và một số bài trích (Tô Kiều Ngân) thì phải nhưng trình độ không lên là mấy.

Anh có giáo trình thật chuẩn từ cơ bản đế phức tạp không? Tặng cho anh em với

Photobucket

Page 1 of 1 (2 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems