Đam San .Net
Diễn đàn yêu âm nhạc và nhạc cụ dân tộc Việt Nam


Bạn đang truy cập vào diễn đàn cũ của Đamsan.Net. Diễn đàn này không nhận đăng kí thành viên mới cũng như bài viết mới kể từ ngày 11-02-2012.
BQT.

Nỗi buồn bên ngoài sân khấu

rated by 0 users
This post has 0 Replies | 0 Followers

Top 25 Contributor
Male
cầm sư cấp 3
traudat Indifferent [:|] Posted: 07-31-2009 0:56

Nỗi buồn bên ngoài sân khấu

SGTT - TP.HCM có trên dưới 10 nhà hát dành cho các loại hình sân khấu. Một số không nhỏ trong số đó tồn tại theo mô hình xã hội hoá, nghĩa là có sự góp vốn hoặc điều hành của tư nhân. Nhiều nhà hát có sinh khí nhờ kịch mục dày, chất lượng ngày càng tốt hơn. Tất nhiên, cũng có nhiều nơi ngả nghiêng theo hài quá đáng làm cho khán giả xa dần sân khấu

Đó là nói chuyện bên trong, chuyện nội dung kịch mục, chuyện thuộc về tâm huyết, tính cách và câu chuyện dài thuộc về nghệ sĩ. Còn câu chuyện không ngắn hơn lại thuộc về nhà quản lý rạp và văn hoá của công chúng đến rạp.

Theo lời dặn của một người bạn ở Hà Nội, cuối cùng chúng tôi đã tìm được vé cho nhóm bạn đi xem vở Người tốt Tứ Xuyên của đoàn kịch Tokyo tại nhà hát Bến Thành - TP.HCM trong đêm diễn đầu tiên cách đây ít lâu. Đây là đoàn kịch khá nổi tiếng của Nhật Bản, cách đây 13 năm đã đến Việt Nam diễn một lần. Và giờ đây, họ trở lại với sự giúp đỡ của nhà hát Tuổi trẻ nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật. Người ta thường nói văn hoá là một trong những thước đo và là cầu nối tốt nhất cho quan hệ giữa các quốc gia. Maxim Gorki thì nói rằng: Tổ quốc sẽ ít bị đe doạ hơn nếu có nhiều văn hoá hơn. Thế nhưng những gì diễn ra hoàn toàn ngược lại. Trước cửa nhà hát Bến Thành buổi tối đó rất đông người đến xem. Mọi người không thể chào nhau được vì tiếng ồn kinh khủng của một đám cưới ở tầng trệt với vài trăm khách. Tiếng nhạc điện tử ầm ầm được mở hết cỡ, tiếng hô “Một, hai, ba... dzô!” lấn át tất cả. Khuôn viên của nhà hát đấy sao? Những người bạn Nhật Bản ngỡ ngàng, những người Việt biết điều chút xíu thì cảm thấy buồn lòng.

Rồi khách lần lượt bước lên lầu vào bên trong khán phòng. Trên sân khấu, hình ảnh tinh tế của màn diễn đầu tiên đã sẵn. Người giới thiệu chương trình cũng đã có những yêu cầu tối thiểu đối với người xem như không mở điện thoại, không nói chuyện… Có một phút lặng thinh của không khí thánh đường khi đèn tắt, các diễn viên xuất hiện. Nhưng giây phút ngắn ngủi ấy qua mau khi phía cuối khán phòng có tiếng oe oe trẻ khóc dai dẳng, tiếng người lao xao tìm chỗ vì vào trễ, kế đến là tiếng vọng của ban nhạc điện tử, tiếng hát của một số ca sĩ chuyên phục vụ đám cưới... Chưa hết, một cô gái ngồi ở đầu hàng ghế thứ ba giữa sân khấu ôm điện thoại “tám” bất kể người ngồi bên khó chịu như thế nào - được biết đó là một sinh viên ngành xã hội nhân văn. Cuối buổi diễn, màn nhung chưa khép lại, các diễn viên còn đang nói lời cảm ơn và tạm biệt khán giả thì bên dưới, ghế đã khua, mọi người đã lũ lượt ra về.

Tương tự, ở sân khấu 5B, nơi gọi là sân khấu thể nghiệm, khá kén khán giả cũng vậy. Khi xem vở Cánh đồng bất tận mới đây, nhiều người im lặng dõi theo diễn tiến câu chuyện căng thẳng trên sân khấu thì bên dưới, cũng không ít lần chuông điện thoại reo, và người ta lại nói chuyện.

Ở những nhà hát khác thì sao? Cũng chẳng hơn gì. Trừ những khuôn viên chật chội, còn lại đều có cho thuê đám cưới và những buôn bán vặt khác: bánh kẹo, nước uống, các loại trái cây như cóc ổi gọt sẵn... Có nhà hát còn cho thuê mặt bằng bán cà phê hoặc thời trang cao cấp…

Nhà hát sân khấu như một thánh đường nghệ thuật. Ai cũng biết vậy. Nhưng đường đi đến đó thật là… quá xa. Dù chỉ nhìn từ bên ngoài.

Minh Nguyễn

sgtt.com.vn

Page 1 of 1 (1 items) | RSS
Copyright 2006 - 2011 by DamSan.Net
Powered by Community Server (Non-Commercial Edition), by Telligent Systems